Góp phần quan trọng bảo đảm an sinh, an dân

Hơn 42,8 triệu người bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; tỷ lệ lao động qua đào tạo tiếp tục đà tăng... Đó là những kết quả nổi bật được phản ánh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 diễn ra ngày 12-1 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh, an dân.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh, an dân.

Hơn 71.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh

Cùng với các bộ, ngành chức năng, năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nỗ lực vượt qua khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh, an dân, nhất là những người bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19.

“Cả nước đã dành nguồn lực trị giá 71.482 tỷ đồng để hỗ trợ an sinh xã hội. Số đối tượng được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách là gần 742.000 lượt người sử dụng lao động, hơn 42,8 triệu lượt người lao động và các trường hợp khác. Việc trang bị kỹ năng nghề cho người lao động được quan tâm với gần 1,9 triệu người được đào tạo nghề trong năm, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66% (năm 2020 là 64,5%), trong đó, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,1% (năm 2020 là 24,5%)”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin.

Thực hiện mục tiêu xuyên suốt không để người dân nào bị ở lại phía sau trên chặng đường phát triển, các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục được triển khai đồng bộ, tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người dân. Nhờ đó, dù gặp nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo vẫn đạt kết quả khả quan. Bằng chứng là, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2021 của cả nước giảm từ 2,75% vào cuối năm 2020, xuống còn 2,23% vào cuối năm 2021 (giảm 0,52%). Đặc biệt, cả nước cơ bản không còn gia đình có thành viên là người có công thuộc diện hộ nghèo…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tham luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tham luận tại hội nghị.

Tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, vượt qua những khó khăn, thách thức, Hà Nội đạt những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Năm vừa qua, toàn thành phố giải quyết việc làm cho gần 180.000 người, đạt 112,3% kế hoạch. Công tác giảm nghèo tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan khi toàn thành phố giảm 3.507 hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2021, đạt 261,9% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 0,04% vào cuối năm 2021. Đặc biệt, Hà Nội có 19/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp toàn thành phố là 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, Hà Nội đã hỗ trợ an sinh xã hội cho 5,3 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 6.600 tỷ đồng...

Tương tự thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sự ổn định cho người dân. Dẫn chứng là, tỷ lệ hộ nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh hiện còn dưới 0,5%.

Chú trọng bảo đảm đời sống cho nhân dân

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 68% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,7%; đào tạo nghề cho gần 2,1 triệu lao động; đại đa số trường hợp yếu thế tiếp tục nhận được sự quan tâm, trợ giúp về nhiều mặt.

Để đạt mục tiêu nêu trên, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chú trọng phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung - cầu về lao động; phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động... Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng, nhất là với nhóm người yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận sự nỗ lực, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong những năm vừa qua; đồng tình, thống nhất cao với định hướng phát triển của ngành trong năm tới. Những kết quả đạt được của ngành góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cần quan tâm khắc phục của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đó là số lao động tham gia đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có kỹ năng trên thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở lực lượng lao động trẻ còn cao; tình trạng bạo lực, bạo hành trẻ em còn nhức nhối...

Tạo điều kiện để người dân có điểm tựa, cơ hội vươn lên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành chức năng chú trọng triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, việc làm; có chính sách bảo đảm đời sống cho công nhân, người lao động. Ngoài ra, các bên tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội, huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia. Đặc biệt, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần chủ trì, phối hợp với các bên để xây dựng, hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã. Trước mắt, các ngành, địa phương chăm lo Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm nhà nhà vui đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Về lâu dài, toàn ngành cần chủ động chuyển đổi số, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính để có thể phục vụ tốt hơn các đối tượng chính sách, người lao động, người sử dụng lao động.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1022297/gop-phan-quan-trong-bao-dam-an-sinh-an-dan