Góp phần thay đổi nhận thức người dân
Đây chính là mục đích, ý nghĩa chính của mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, vi sinh trên cây lúa vụ Hè Thu năm 2022 tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Từ năm 2021 đến nay, giá vật tư nông nghiệp tăng ở mức cao, nhất là phân bón vô cơ; đồng thời, với mong muốn giúp nông dân, tổ hợp tác thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng thực hiện các mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, vi sinh trên cây lúa vụ Hè Thu năm 2022. Tiêu chí chọn mô hình là hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên chọn những nông hộ có kinh nghiệm trong việc áp dụng những sản phẩm, chế phẩm mới vào sản xuất.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: “Vụ lúa Hè Thu năm 2022, Trung tâm phối hợp 6 công ty thực hiện 34 mô hình trình diễn, với diện tích 27ha được triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn như mô hình ứng dụng phân hữu cơ trùn quế, ứng dụng chế phẩm vi sinh MKG - ViniTex, ứng dụng chế phẩm vi sinh NOLATRICO,... Thông qua các mô hình trình diễn, nông dân giảm chi phí thấp hơn từ 3,6-4 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng; nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác "1 phải, 6 giảm", dùng giống xác nhận, sạ thưa mật độ 100kg/ha,... Hơn hết, thông qua mô hình trình diễn để làm hạt nhân nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, tạo cho thị trường lúa hàng hóa đạt chất lượng, nâng cao giá trị nông sản”.
Trước tình trạng giá phân bón hóa học tăng cao, trong khi giá lúa bấp bênh, ông Nguyễn Văn Cẩm (ấp Gò Gòn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) chủ động tham gia các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, trong đó có tham gia các mô hình ứng dụng phân hữu cơ trùn quế. Đây được xem là một trong những giải pháp giảm phân bón vô cơ, cải tạo đất, tăng lợi nhuận, nhất là hướng đến sản xuất lúa sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu lúa, gạo.
Ông Cẩm chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 10ha lúa, chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất cao. Thế nên, khi Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thực hiện mô hình điểm về sử dụng phân hữu cơ trùn quế, tôi đồng ý ngay. Qua thời gian thí điểm, tôi thấy lúa vẫn phát triển tốt, giảm được phân bón vô cơ từ 3-4 bao/ha, lợi nhuận cao hơn bên ngoài trên 3 triệu đồng/ha. Dự kiến vụ sau, gia đình tôi tiếp tục sử dụng phân hữu cơ trùn quế cho diện tích đất còn lại”.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, trong quá trình sản xuất lúa, nông dân sử dụng phân bón vô cơ liên tục kéo dài sẽ làm cho nguồn dinh dưỡng trong đất cạn kiệt dần do không bổ sung phân bón hữu cơ, từ đó làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại nấm bệnh, diệt các loại vi sinh vật có lợi, làm nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, làm đất chai cứng, giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người.
Do đó, việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng bổ sung phân hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, tác dụng cải tạo đất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái, nâng cao khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa, góp phần cho ruộng ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu, bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/gop-phan-thay-doi-nhan-thuc-nguoi-dan-a140148.html