Góp phần thúc đẩy phát triển thị trường mỹ thuật trong nước

Dù không diễn ra lễ khai mạc như dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trở lại, song Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội từ ngày 6 đến 15-8, thu hút sự theo dõi của công chúng và giới mỹ thuật.

Dù không diễn ra lễ khai mạc như dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trở lại, song Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội từ ngày 6 đến 15-8, thu hút sự theo dõi của công chúng và giới mỹ thuật.

Kể từ năm 1986, khi đất nước bước vào giai đoạn mở cửa, mỹ thuật Việt Nam đã có những biến đổi lớn. Một thế hệ họa sĩ trẻ đã trưởng thành và mang đến cho đời sống mỹ thuật cách nhìn, cách cảm, cách biểu đạt mới; không chỉ khẳng định được tài năng trong nước mà còn hướng đến thị trường thế giới. Tác phẩm mỹ thuật là sản phẩm hàng hóa đặc thù và việc tranh đắt giá hay không cũng chính là một thước đo giá trị của tác phẩm. Hoạt động giao dịch, mua bán tác phẩm nghệ thuật là tất yếu, cần thiết để xây dựng và phát triển một thị trường mỹ thuật bền vững, giúp người nghệ sĩ sống được bằng nghề và có điều kiện đầu tư tác phẩm. Ðây là lần đầu, một triển lãm có tiêu chí được xây dựng trên cơ sở các họa sĩ có tranh bán chạy trên thị trường được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh các họa sĩ đã khẳng định tên tuổi, vị thế trên thị trường mỹ thuật trong nước và quốc tế; đồng thời giúp công chúng yêu nghệ thuật có cái nhìn khái quát về sự hình thành và phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Bên cạnh tiêu chí bán tranh tốt, có vị trí trên thị trường thì yêu cầu tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có dấu ấn cá nhân cũng là một tiêu chí đối với các họa sĩ “hàng đầu”. Theo đó, 19 họa sĩ được lựa chọn vào triển lãm này gồm 12 họa sĩ ở Hà Nội là: Trần Lưu Hậu, Ðặng Xuân Hòa, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Ðinh Quân, Thành Chương, Lê Thiết Cương, Ðào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Ðình Tuấn, Hồng Việt Dũng; bảy họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh là: Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Thanh Bình, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài. Công chúng có dịp được thưởng lãm các tác phẩm mang đậm phong cách riêng đã được định hình, được giới chuyên môn và thị trường ghi nhận của những tên tuổi tiêu biểu trong làng hội họa nước nhà thời gian qua. Ðó là lứa họa sĩ cao niên như cố họa sĩ Trần Lưu Hậu (1928 - 2020), một trong những tên tuổi hàng đầu của thế hệ họa sĩ kháng chiến tại Việt Bắc; Nguyễn Trung (sinh năm 1940), Hồ Hữu Thủ (sinh năm 1942), hai tên tuổi lớn của hội họa miền nam. Lớp kế cận (sinh năm từ 1950-1960) khá vững chãi, “đình đám” trên thị trường chiếm phần lớn trong số những tên tuổi còn lại; hay trẻ hơn, mới hơn có Vũ Ðình Tuấn (sinh năm 1973). Giữa những ngày vắng vẻ của đại dịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dường như ấm áp hơn với một không gian hội họa “đẳng cấp” đem lại ấn tượng thị giác và xúc cảm khá viên mãn cho người xem. Ðó là những bức tranh trừu tượng giàu hàm ẩn của Hồ Hữu Thủ; tạo hình, mầu sắc tươi tắn đậm chất dân gian của sơn mài Thành Chương; tranh con giáp giản dị, tinh tế cả mầu sắc và bố cục của Ðặng Xuân Hòa; Lê Thanh Sơn trong trẻo, tươi tắn với phong cảnh thiên nhiên; Phạm Luận sở trường vẽ phố phường Hà Nội đẹp yên bình; Vũ Ðình Tuấn rành mạch đường nét lại mềm mại, tinh tế trong chuyển đổi mầu sắc của tranh lụa hiện đại… Tuy nhiên, người xem vẫn còn cảm giác thiếu vắng một vài gương mặt trẻ đang nổi, bán được tranh trên thị trường hiện nay.

Giám tuyển Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật là họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Ðiện ảnh, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, người từng nhiều năm theo sát các hoạt động của đời sống mỹ thuật. Theo ông Thành, những tác giả tốp đầu này chính là nhân tố tiên phong và liên tục hâm nóng thị trường mỹ thuật, kể từ khi Nhà nước chưa có chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa cũng như thúc đẩy thị trường nghệ thuật như hiện nay. Loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, nếu không có khán giả và thị trường thì không thể phát triển bền vững. Vì vậy, triển lãm này được tổ chức chính là một hoạt động ý nghĩa với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ thuật nước nhà.

Bài và ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/gop-phan-thuc-day-phat-trien-thi-truong-my-thuat-trong-nuoc-612822/