Góp sức làm đường giao thông giúp học sinh đến trường
Nhiều địa phương ở Vĩnh Long chung sức đồng lòng xây dựng giao thông nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đến trường.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh đến trường, thời gian qua, người dân các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đã phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc góp công sửa chữa, xây dựng đường giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa và nâng chất tiêu chí giao thông trong xây dựng Nông thôn mới,
Cả xóm đồng lòng sửa đường
Tại ấp An Lương A (xã Long An, Long Hồ), cứ chỗ nào có đoạn đường bị xuống cấp, đi lại khó khăn, thì người dân trong xóm đồng lòng góp công, góp sức duy tu sửa chữa. Trong đó, tuyến đường giao thông cấp C (liên xóm) thuộc ấp An Lương A dài hơn 3km, được xây dựng cách đây khá lâu, đã bị xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Khi nghe Chi bộ, Ban nhân dân ấp vận động người dân chung tay sửa lại đường, anh Lê Minh Phương không chỉ đóng góp tiền, mà còn tích cực góp công để làm cùng với xóm giềng.
“Lúc trước đoạn đường này rất khó đi, trong khi các em học sinh thường xuyên đi học ngang qua tuyến đường này, rất dễ bị ngã. Vì vậy, khi nghe nói sửa chữa đường thì ai cũng mừng. Thấy bà con trong xóm góp công làm đường, tôi cũng tham gia phụ giúp để công trình sớm hoàn thành. Nhờ vậy mà đường đi trong xóm được sạch sẽ, đi lại thuận tiện, ai nấy cũng vui”- anh Phương nói.
Cùng ngụ ấp An Lương A, ông Nguyễn Thanh Dũng tiếp lời: Khi địa phương vận động làm đường thì bà con nơi đây rất đồng tình, sẵn sàng góp công, góp của để chung tay nâng cấp, sửa chữa đường đi. Nhờ vậy mà việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng thuận tiện, dễ dàng hơn trước các em học sinh đến trường thuận tiện.
Em Nguyễn Thị Mỹ Tiên, học sinh trường THCS Long An cho biết đường này làm lâu rồi giờ nhiều ổ gà được mấy cô, chú sửa lại tụi con đi học thuận tiện hơn trước nhiều lắm, chúng con cảm ơn cô, chú nhiều.
Bà Nguyễn Thị Mây- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp An Lương A cho biết: Người dân trong ấp rất đồng lòng để cùng làm công tác xã hội và thực hiện các phong trào do địa phương phát động. Người có của thì góp của, người có sức góp sức. Riêng chị em phụ nữ không làm được việc nặng thì cũng chung tay làm việc nhẹ như: lo nước uống cho đội thi công, phụ dọn dẹp cây cối, vệ sinh hai bên đường…
Năm 2021 đến nay, nhân dân trong ấp An Lương A đã đóng góp gần 110 triệu đồng mua hơn 70m3 đá và 140 bao xi măng, đóng góp hơn 200 ngày công lao động để cùng với chính quyền địa phương nâng cấp cầu giao thông nông thôn, dặm vá các tuyến đường. Chính nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân mà bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới.
Nâng chất tiêu chí giao thông
Sau thời gian xây dựng, tuyến đường giao thông nông thôn thuộc ấp Tân Long (xã Tân Lược, Bình Tân) bị xuống cấp. Gần đây, tuyến đường này được đầu tư nâng cấp, mở rộng với bề ngang 2 mét dài 450 mét.
Ông Cao Văn Hạnh- Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Long biết: Đây là tuyến đường trục chính, giáp với xã Tân Thành. Trước đó, nó nhỏ như con đường mòn với bề ngang chỉ 1 mét đầu đường, đoạn phía trong thì đổ đá nhỏ, qua thời gian thì đường xuống cấp, bị lún và đọng nước mưa, rất khó đi…
Bà Bùi Thị Nhung- ấp Tân Long kể: “Mỗi lần tôi đi chợ và 2 đứa cháu tôi đi học đều qua tuyến đường này, nhưng trước đây đường rất khó đi, nên ao ước làm đường cho đẹp, đi lại thoải mái. Nghe làm đường thì rất mừng, nên tôi và mấy đứa cháu đóng góp mỗi nhà 5 triệu đồng”.
Ngoài góp tiền, nhà bà Nhung còn nấu ăn hàng ngày cho đội làm đường khoảng 40 - 50 người. Bà con xung quanh ai có gì góp nấy và còn phụ nấu nướng. Điều đáng quý là, “tổ hậu cần” của bà Nhung còn chú trọng thay đổi thực đơn để không bị ngán và đảm bảo sức khỏe cho đội thi công.
Ông Nguyễn Hồng Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lược cho hay, để góp phần nâng chất tiêu chí giao thông, các ban ngành đoàn thể xã, ấp cùng đội thi công cầu đường và người dân địa phương đã chung tay thực hiện nhiều công trình. Riêng tuyến đường ở ấp Tân Long có tổng kinh phí 130 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 100 triệu đồng và ngày công lao động, phần còn lại là vận động xã hội hóa.
Với tinh thần đoàn kết và hiểu rõ lợi ích thiết thực từ chương trình xây dựng Nông thôn mới mang lại, nhất là trong thực hiện tiêu chí giao thông, thời gian qua, người dân ở các địa phương trong tỉnh đã phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc đóng góp công sức, tiền của và hưởng thụ thành quả từ các công trình, phong trào do địa phương phát động.
Điều đáng quý là, khi địa phương vận động nâng cấp đường đi thì người dân rất đồng lòng, tích cực đóng góp tiền của để mua vật tư, người không có tiền thì đóng góp công sức để cùng nhau sửa đường. Việc làm có ý nghĩa cao đẹp này đang ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn thêm xinh tươi và đáng sống.