Góp sức mình vì một Hà Nội hào hoa
Ngay khi bước sang năm mới 2024, nghệ sĩ Thủ đô đã đặt không ít quyết tâm về việc tiếp tục góp sức mình vì một Hà Nội hào hoa.
Khát vọng tự thân
Tác giả, NSƯT Trịnh Quang Khanh cho rằng, những ngày lễ lớn, những mốc son sáng chói trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô.
Trong mỗi người đều có chung mong muốn, khát vọng sẽ tạo nên một công trình, kịch bản sân khấu hay, vở diễn xuất sắc gắn với những ngày lễ lớn của Thủ đô, đất nước.
Tuy nhiên, còn quá sớm để nói một cách cụ thể song ông Khanh tin rằng trong hai năm tới sẽ có những công trình, tác phẩm sân khấu hay, hấp dẫn, phản ánh sinh động những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương đại mà các tác giả, nghệ sĩ là chủ thể sáng tạo.
“Tham gia tích cực các hoạt động sáng tác, biểu diễn, trình diễn các tác phẩm nghệ thuật trong thời điểm các ngày lễ lớn của dân tộc, nghệ sĩ sân khấu Thủ đô luôn luôn và mãi mãi như những đóa hoa hương sắc đem đến cho công chúng sự cộng hưởng bởi niềm tin yêu cuộc sống, niềm tự hào dân tộc và khát vọng dựng xây Thủ đô, dựng xây đất nước thịnh vượng, trường tồn và hạnh phúc” - Tác giả Lê Thế Song.Để nâng cánh cho khát vọng tự thân ấy, theo ông Khanh, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Hội Sân khấu Hà Nội cần có những hoạt động cụ thể như: Tổ chức các chuyến đi thực tế tới thăm, khảo sát những điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới hay doanh nghiệp đang làm ăn có hiệu quả; về thăm những làng nghề truyền thống ở Hà Nội để có tư liệu sáng tạo. Và đó phải là những chuyến đi khảo sát thực tiễn theo đúng nghĩa.
Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Hội Liên hiệp và Hội Sân Khấu nên bàn với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức một đêm diễn những tác phẩm sân khấu của bốn loại hình chèo, múa rối, cải lương và kịch nói.
“Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Hội Di sản Việt Nam đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật chèo là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nếu được công nhận, tôi đề nghị trong năm 2024 hoặc 2025 Hội Sân khấu Hà Nội nên tổ chức đêm vinh danh nghệ sĩ trẻ tài năng và nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú của sân khấu chèo Thủ đô”, ông Khanh gợi ý.
NSND Thanh Trầm – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc bàn sâu vấn đề “Sân khấu Thủ đô hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước” là nhằm mục đích vận động đội ngũ tác giả đẩy mạnh sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng và khắc phục tình trạng thiếu vắng những tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân Thủ đô trong thời kỳ mới.
“Qua đó tiếp tục thực hiện, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Từ đó phấn đấu có những tác phẩm sân khấu có giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật mang ý nghĩa lớn trong công tác giáo dục, tuyên truyền đến nhiều tầng lớp nhân dân về truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, phản ánh sâu sắc tinh thần yêu nước, những tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm của các thế hệ hôm nay trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”, NSND Thanh Trầm nói.
Tác giả Lê Thế Song cũng cho rằng, những ngày lễ lớn của dân tộc chính là thời điểm nhân dân có thời gian để vui chơi, giải trí, du lịch và thưởng lãm, thưởng thức nghệ thuật.
“Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc nghệ sĩ biểu diễn được cháy hết mình trên sân khấu, đội ngũ sáng tạo tác phẩm sân khấu cũng được dồn hết tài năng, tâm huyết để sáng tạo nên những tác phẩm mới.
Giá trị của nghệ thuật được đón nhận, nội dung tư tưởng của các tác phẩm nghệ thuật được khơi gợi, đúc kết. Tầm vóc của tác phẩm được chiêm nghiệm và cổ vũ bởi khán giả. Và trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ nói chung và nghệ sĩ sân khấu Thủ đô được khẳng định”, ông Song bày tỏ.
Trước những quyết tâm đó, NSND Hoàng Tuấn – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của hội, như: Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về những vấn đề lý luận sân khấu; mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ; mở trại sáng tác tổng hợp: Sáng tác, nghiên cứu lí luận; tổ chức chuyến đi thực tế tại các vùng công nghiệp, nông nghiệp của các tỉnh lân cận; tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các tác phẩm kịch bản sân khấu trong chương trình sáng tạo văn học nghệ thuật; lựa chọn kịch bản có chất lượng cao của các tác giả là hội viên để in sách…
“Nhất là việc hiện thực hóa đề án quảng bá, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật ca kịch truyền thống sân khấu Thủ đô, các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo giàu bản sắc dân tộc góp phần bảo vệ di sản văn hóa trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến được Hội tâm huyết xây dựng trong mấy năm qua.
Qua đây, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh; đồng thời, giới thiệu nghệ thuật dân tộc với bạn bè quốc tế và công chúng trong nước, để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về bề dày lịch sử hàng ngàn năm văn hiến Thăng long - Hà Nội”, NSND Hoàng Tuấn nhấn mạnh.
Đóng góp đáng trân trọng
“Hôm nay, chúng ta - những người làm công tác sân khấu của Hà Nội có quyền tự hào vì đã luôn nỗ lực và đóng góp đáng trân trọng vào nền văn học nghệ thuật của nước nhà”, tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du nhấn mạnh.
Cũng bởi lẽ, nghệ sĩ sân khấu Hà Nội đã phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Nghệ thuật sân khấu Hà Nội có vai trò quan trọng trong nền văn hóa dân tộc, thể hiện khát vọng Chân - Thiện - Mỹ của con người Hà Nội hào hoa và linh thiêng.
Với trách nhiệm trước các ngày lễ lớn của đất nước, theo ông Du, nghệ sĩ sân khấu Thủ đô luôn hưởng ứng việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị; truyền thống lịch sử, văn hóa; bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế; góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân Thủ đô đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội.
Văn nghệ sĩ Thủ đô sẽ luôn đi đầu tuyên truyền rộng rãi thực hiện nếp sống Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; chỉnh trang đô thị, đường phố, ngõ xóm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả ứng xử xã hội trật tự văn minh đô thị, để Hà Nội xứng đáng với tên gọi là Thủ đô của cả nước.
“Đặc biệt, tôi muốn nhắn nhủ đến các nghệ sĩ Thủ đô và với những người làm công tác sân khấu ở nhiều vị trí chuyên môn khác nhau là: Sẽ luôn cùng tỉnh táo phát hiện và gạn lọc để lên án những tác phẩm sân khấu có luận điệu sai lệch thẩm mỹ; những tác phẩm sân khấu cài cắm ý đồ muốn bẻ cong, lật sử tinh vi hòng phá vỡ niềm tự hào yêu nước của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trên các loại hình sân khấu, mượn danh dân chủ “giả cày” núp bóng sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật để đi ngược lại chính sách chủ trương đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước”, ông Du lưu ý.
Soạn giả Mai Văn Lạng thì đi sâu vào phân tích sự hào hoa và thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong đa tầng văn hóa: Từ giọng nói, điệu cười đến những cách ứng xử nhẹ nhàng lịch lãm, và cao hơn, bay bổng hơn là tiếng hát, cung nhớ cung thương, câu bổng câu trầm ngân nga da diết. Đó là những khúc ca trù, những làn điệu chèo mượt mà đằm thắm.
Ông Lạng cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội ghi nhận biết bao nghệ sĩ sân khấu đã có những đóng góp không nhỏ làm nên diện mạo của Thăng Long Hà Nội. Nhất là, gần 70 năm qua, nhìn lại chặng đường xây dựng phát triển của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ sĩ Hà Nội có quyền tự hào rằng các bác, các cô chú, anh chị đã đóng góp hết sức mình vì một Hà Nội anh hùng, Hà Nội hào hoa thanh lịch và Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật, thực ra, đại đa số không phải người Hà Nội theo nghĩa gốc, họ là những người con ưu tú của mọi miền Tổ quốc, học tập, sinh sống, yêu Hà Nội và quyết định ở lại cống hiến tài năng, sức lực và trí tuệ cho Thủ đô.
“Hà Nội mến yêu, Thủ đô yêu dấu, yêu thương, đùm bọc, chở che nuôi dưỡng nghệ sĩ và ngược lại, nghệ sĩ của Thủ đô luôn cháy hết mình cho sân khấu. Dù còn bộn bề lo toan vất vả với cuộc sống thường nhật, nhiều nghệ sĩ trẻ được chào mời ở một số nơi với mức lương cao hơn nhưng họ không rời sân khấu Thủ đô vì tình yêu Hà Nội, vì tri ân với bao thế hệ tiền nhân”, soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ.
Vì vậy để thu hút nhân tài, nghệ sĩ dành toàn tâm, toàn ý cống hiến, theo ông Lạng, lãnh đạo thành phố cũng như các cấp, các ngành có liên quan cần quan tâm tới chính sách bồi dưỡng, tạo điều kiện để các nhà viết kịch có điều kiện thuận lợi tìm hiểu về Thủ đô, tìm hiểu cuộc sống mới của đất Hà thành, có chế độ nhuận bút tương xứng.
Cùng với đó là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để nghệ sĩ yên tâm sống với nghề, không phải lo lắng quá nhiều về cuộc sống vật chất lẫn tình thần, toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Đồng thời, có chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ các nghệ sĩ tài năng và đầu tư để đào tạo ngay trong lòng Hà Nội.
Tác giả Lê Thế Song cũng dành lời trân trọng về nghệ sĩ sân khấu bằng tài năng thiên bẩm, khả năng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và tư duy sáng tạo, họ góp phần vào xây dựng hệ giá trị mới; xây dựng và phát triển nền nghệ thuật sân khấu có sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại.
“Người nghệ sĩ như những con tằm nhả tơ, phục vụ công chúng thưởng thức nghệ thuật. Những tác phẩm sân khấu được trình diễn trước công chúng chính là những bài học, trải nghiệm, những thông điệp mang tính định hướng cho xã hội; góp phần vào sự ổn định chính trị của xã hội và sự phát triển của Thủ đô, của đất nước”, ông Song bày tỏ.
Có thể nói, một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua, Hội Sân khấu Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật đạt chất lượng cao, tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội; góp phần xây dựng văn hóa, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Giữa sự tác động bề bộn, ngổn ngang của cơ chế thị trường, những người làm nghệ thuật sân khấu nói chung, Hội Sân khấu Hà Nội nói riêng vẫn luôn gạn đục khơi trong, vượt qua mọi khó khăn để nhắc nhở thế hệ hôm nay đừng bao giờ quên lịch sử hào hùng của dân tộc, đừng bao giờ quên quá khứ bi tráng và sự hy sinh của nhiều thế hệ cha anh thông qua những câu chuyện kịch, những hình tượng nghệ thuật trên sân khấu” - NSND Thanh Trầm.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gop-suc-minh-vi-mot-ha-noi-hao-hoa-post667468.html