Góp ý của câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường đối với dự thảo Luật Nhà giáo
Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có nội dung góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo gửi Bộ GDĐT.
Theo Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, tại Khoản 2 Điều 5 của Dự thảo về giải thích từ ngữ có nêu “Người đứng đầu cơ sở giáo dục là người đại diện trước pháp luật của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục theo chức năng nhiệm vụ, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục“.
Đối với khoản này, Câu lạc bộ đề nghị sửa đổi thành “Thủ trưởng cơ sở giáo dục (hiệu trưởng, giám đốc) là người đại diện trước pháp luật của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục theo chức năng nhiệm vụ, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục”.
Bởi, Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định rõ "Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường”.
Hơn nữa, theo quy định của Luật doanh nghiệp (2020), với vai trò đại diện chủ sở hữu, hội đồng quản trị/hội đồng thành viên hay một cách cụ thể hơn là chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên là người có quyền cao nhất trong doanh nghiệp. Hội đồng quản trị/hội đồng thành viên có thẩm quyền miễn nhiệm tổng giám đốc/giám đốc trong trường hợp tổng giám đốc/giám đốc không chấp hành nghị quyết, quyết định của hội đồng, …
Bên cạnh đó, Phụ lục 2 của Quy định 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ đã đưa ra thành phần Tập thể lãnh đạo (ở Bước 2).
Cụ thể, đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là tập thể lãnh đạo mở rộng, gồm Ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, thường vụ đảng ủy, vụ trưởng và tương đương; bí thư đảng ủy là chủ tịch hội đồng trường, chủ tịch hội đồng quản lý, chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị) các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Đối với những nơi chưa có chủ tịch hội đồng trường, chủ tịch hội đồng quản lý, chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), người tham dự là đồng chí bí thư là giám đốc (tổng giám đốc), hiệu trưởng”.
Như vậy, Bí thư đảng ủy là chủ tịch hội đồng trường được xác định có thẩm quyền cao nhất trong công tác cán bộ của cơ sở giáo dục đại học.
Tại Điều 16 của Luật giáo dục đại học (sửa đổi 2018) cũng đã quy định quyền hạn của hội đồng trường với vai trò là cơ quan quản trị, đại diện chủ sở hữu.
Cụ thể, một số quyền hạn cao nhất trong cơ sở giáo dục gồm quyết định nhân sự hiệu trưởng và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng theo đề xuất của hiệu trưởng; tổ chức đánh giá viên chức hàng năm đối với hiệu trưởng/phó hiệu trưởng; tổ chức lấy tín nhiệm đối với hiệu trưởng; quyết định cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức...
Theo quy định trên, với việc đại diện chủ sở hữu, quyết định về chủ trương kế hoạch hoạt động hàng năm, cơ cấu bộ máy tổ chức, cơ cấu số lượng lao động, quản lý; bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cấp cao của cơ sở giáo dục đại học (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng...), tập thể hội đồng trường có vai trò là "Người đứng đầu".
Không những vậy, theo quy định tại Luật viên chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật viên chức và tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức….), thẩm quyền tuyển dụng, quản lý, đánh giá viên chức của cơ sở giáo dục đại học (cấp phòng/ban/khoa/viện...) thuộc về hiệu trưởng.
Do đó, trong các nhiệm vụ trên, cùng với vai trò quản lý điều hành hoạt động hàng ngày của cơ sở giáo dục thì hiệu trưởng là "Người đứng đầu".
Vậy nên, việc Luật Giáo dục đại học (sửa đổi năm 2018) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP chỉ xác định hiệu trưởng/giám đốc là người đại diện trước pháp luật của cơ sở giáo dục đại học, còn Người đứng đầu đơn vị thì xác định tùy theo lĩnh vực của công tác quản trị, quản lý là phù hợp để đảm bảo mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định.
Từ đó, cần xem xét, điều chỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ của “người đứng đầu” tại các văn bản luật, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với từng lĩnh vực, phù hợp với vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan đảng ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu cũng như các vị trí người đứng đầu của mỗi cơ quan là bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng.
Cũng theo công văn của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu Dự thảo Luật Nhà giáo ghi cụ thể "Người đứng đầu cơ sở giáo dục là người đại diện trước pháp luật của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục theo chức năng nhiệm vụ, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục" sẽ là đồng nhất khái niệm "Người đứng đầu" là người đại diện trước pháp luật của cơ sở giáo dục đại học.
Điều này sẽ không phù hợp, không thống nhất với các quy định hiện hành của Đảng, các quy định của pháp luật có liên quan về giáo dục đại học hiện nay, nhất là định hướng tự chủ đại học với sự xuất hiện của cơ quan quản trị, đại diện chủ sở hữu là hội đồng trường theo Luật giáo dục đại học (sửa đổi 2018) và yêu cầu bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng trường.