Góp ý dự thảo 'Khung định hướng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050'
(QTO) - Sáng nay 30/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo tham vấn, góp ý dự thảo “Khung định hướng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trần Ngọc Lân cho biết: Yêu cầu đặt ra cho nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh là phải bám sát định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.
Theo đó, khung định hướng nền kinh tế phát triển bền vững, hài hòa giữa bốn mục tiêu: Kinh tế - môi trường - an ninh, quốc phòng - hợp tác khu vực, quốc tế. Xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ và là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp (kinh tế công nghiệp - dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế năng lượng sạch và năng lượng tái tạo) của khu vực Duyên hải miền Trung.
Để đạt được mục tiêu này, cần ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tất cả các ngành, lĩnh vực để nhanh chóng số hóa nền kinh tế, cũng như rút ngắn tiến trình CNH - HĐH của tỉnh, hướng tới mục tiêu cao nhất và cuối cùng là cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống Nhân dân. Bên cạnh đó, khai thác các lợi thế của tỉnh trên các tuyến hành lang hạ tầng và khai thác hợp lý dải không gian ven biển. Chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai và các tác động khó lường của biến đổi khí hậu.
Dự thảo khung định hướng quy hoạch tỉnh đưa ra 3 kịch bản phát triển gồm tăng trưởng cao, trung bình và khá với các giả định phát triển đến năm 2030, phát triển kinh tế - xã hội được đặt trong bối cảnh phát triển chung của khu vực Bắc Trung Bộ, quốc gia theo định hướng chiến lược đa ngành công nghiệp - thương mại - du lịch - nông lâm nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nhằm đạt được quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững. Đồng thời khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển, phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và hệ thống các cửa khẩu quốc tế (Lao Bảo, La Lay), từng bước khai thác tiềm năng tuyến đường bộ xuyên Á qua cửa khẩu Lao Bảo và cảng biển Mỹ Thủy, nối miền Trung Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước Đông Nam Á, Tây Á.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển vững chắc, một trong những hạt nhân, động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây với định hướng phát triển thương mại - du lịch - công nghiệp và logistics theo hướng hiện đại; là vùng phát triển đô thị bền vững, văn minh và có bản sắc, phát triển gắn kết giữa đô thị và nông thôn, phù hợp với định hướng của Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; an toàn và ứng phó hiệu quả với thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu.
Các đại biểu dự hội thảo thống nhất với kịch bản phát triển tăng trưởng khá, đồng thời tham gia ý kiến, góp ý hoàn thiện dự thảo như quy hoạch không gian phát triển phải bám sát các dự án giao thông động lực của tỉnh, đồng thời phải phát huy lợi thế của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong định hướng phát triển công nghiệp, không đưa ngành công nghiệp sản xuất xi măng vào lựa chọn ưu tiên. Thu hẹp tỉ trọng phát triển nông nghiệp nhưng phải chú trọng tăng trưởng trong nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích. Đảm bảo cơ cấu các khu dân cư nông thôn nhằm không để lãng phí quỹ đất…