Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Chiều 19.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An đồng chủ trì hội thảo.

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm: 7 chương và 73 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An đồng chủ trì hội thảo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An đồng chủ trì hội thảo

Đánh giá cao các nội dung được quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng để thuận lợi trong quá trình thực hiện. Theo đó, có thể bổ sung một điều về đối tượng áp dụng ngay sau Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh); hoặc bổ sung thêm khoản 2 ngay tại Điều 1 và sửa lại tên Điều thành "Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng".

Các đại biểu phát biểu ý kiến

Các đại biểu phát biểu ý kiến

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng an ninh...

Về quy định tại Khoản 7, Điều 18 "Tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan", có ý kiến kiến nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng an ninh thực hiện theo Luật Khoa học và công nghệ nhưng Luật này lại không có quy định miễn trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, quy định trên cũng không phù hợp với nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An phát biểu kết luận

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, khoa học của các đại biểu, chuyên gia. Đồng thời cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ, tổng hợp đầy đủ những đóng góp, tham luận của các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với chất lượng cao nhất.

Tin và ảnh: Khắc Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/gop-y-du-thao-luat-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep-i343523/