GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): Bảo đảm quyền lợi của người dân

Nhiều đại biểu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi

Ngày 10-3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp thứ 5 Hội đồng Khoa học (HĐKH) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quy hoạch phải hiệu quả

Góp ý tại phiên họp, PGS-TS Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng dự thảo luật cần xác định cơ quan định giá cấp tỉnh là cơ quan độc lập với UBND cấp tỉnh, có nhiệm vụ định giá và quản lý giá.

Việc xác định giá phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, áp dụng phương pháp định giá phù hợp. Thành phần hội đồng thẩm định giá sẽ không có sự xuất hiện của chủ tịch UBND tỉnh với vai trò chủ tịch hội đồng như hiện nay mà thay vào đó, thành viên gồm người đứng đầu cơ quan định giá, đại diện các đơn vị liên quan, có chức năng tư vấn định giá. Đặc biệt, hội đồng cần thẩm định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường và khi nhà nước thu hồi đất thì tham gia, lấy ý kiến từ người dân và chủ đầu tư thực hiện dự án.

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Khoa Luật Kinh tế - Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết đặc trưng cơ bản nhất của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là phải thể hiện chi tiết đến từng thửa đất. Điều này có nghĩa là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phản ánh đầy đủ, cụ thể các thông tin của từng thửa đất như: số hiệu thửa đất, vị trí địa lý, người sử dụng đất, mục đích sử dụng đất.

"Cần bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc vi phạm về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các mức xử lý đủ sức răn đe, nghiêm minh" - ông Tuyến nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quân - thành viên HĐKH, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - nói luật cần quy định rõ điều chỉnh quy hoạch do nguyên nhân, mục đích an ninh quốc phòng, quốc gia công cộng, hoặc trong điều kiện bất khả kháng, không điều chỉnh quy hoạch một cách bừa bãi, bảo đảm hiệu quả công tác quy hoạch, phát huy mạnh mẽ tiềm lực của tài nguyên đất đai.

Quy định cụ thể tiêu chí

Góp ý về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, PGS-TS Nguyễn Thị Nga cho rằng về nguyên tắc bồi thường đất khi nhà nước thu hồi, cần quy định chặt chẽ để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân bị thu hồi đất. Vì vậy, dự thảo luật phải thể chế hóa các quy định cụ thể các tiêu chí "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ".

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, góp ý tại phiên họp Ảnh: PHẠM THẮNG

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, góp ý tại phiên họp Ảnh: PHẠM THẮNG

Để bảo đảm sự công bằng cho người có đất bị thu hồi, PGS-TS Nguyễn Thị Nga đề xuất luật cần bổ sung việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi theo giá đất cụ thể do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

"Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" - bà Nga nói.

TS Nguyễn Quân nêu hiện trên 70% khiếu kiện, tranh chấp là về lĩnh vực đất đai. Nếu không quy định rõ tiêu chí các dự án vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, mục đích công cộng quốc gia thì dự án nào cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Nếu nhà nước đứng ra thu hồi đất để phục vụ cho các dự án thương mại của các doanh nghiệp thì sẽ không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, có thể gây mâu thuẫn xã hội, khiếu kiện kéo dài, dễ dẫn đến sai phạm.

Có quy trình chặt chẽ

GS-TS Hoàng Thế Liên - thành viên HĐKH, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp - đề nghị về chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng cần có quy định rành mạch hơn. Nêu rõ trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, thiết lập cơ chế, quy trình chặt chẽ để bảo đảm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp pháp, hợp lý.

GS-TS Võ Khánh Vinh - thành viên HĐKH, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - đề nghị quan tâm đến nội dung kiểm soát quyền lực trong đất đai. Nghị quyết 27-NQ/TW về nhà nước pháp quyền cũng đặt ra vấn đề về kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai. "Thực chất kiểm soát quyền lực nhà nước chính là đề cao vai trò giám sát của người dân trong lĩnh vực này để từ đó cụ thể hóa trong từng nội dung của luật" - ông Vinh nói.

Qua các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết về vấn đề thu hồi đất, việc phân định các trường hợp thu hồi là tương đối phức tạp. Ở từng thời kỳ, với những định hướng quản lý khác nhau, đối tượng và nhu cầu bồi thường, tự thỏa thuận cũng khác nhau.

Theo bà Hoa, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất có quy trình chặt chẽ với sự tham gia trách nhiệm của nhiều cơ quan liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để bảo đảm dự thảo luật đạt chất lượng cao nhất.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phối hợp với các chuyên gia để tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật liên quan.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) trước khi xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023). Hiện các cơ quan trong toàn hệ thống đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc vào ngày 15-3.

Chưa khả thi trong áp dụng thực tế

Theo TS Nguyễn Quân, về mức bồi thường khi thu hồi đất, dự thảo đưa ra khái niệm "giá thị trường". Tuy nhiên, chưa xác định được rõ "giá thị trường" là giá nào? Vì giá đất có thể biến động rất nhanh, nhất là khi có dự án liên quan. Việc bồi thường theo giá thị trường là mơ hồ, khó xác định chính xác, nên việc bồi thường khi thu hồi đất như trong quy định tại dự thảo là chưa bảo đảm khả thi trong áp dụng thực tế.

THẾ DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/gop-y-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-bao-dam-quyen-loi-cua-nguoi-dan-20230310220231982.htm