Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Giáo dục là nền tảng, động lực phát triển
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhiều chuyên gia gợi mở với Hà Nội cần có 'không gian' rộng hơn.
Trong đó, có các điều luật về GD-ĐT thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Coi giáo dục đại trà là ưu việt và bình đẳng xã hội
Đảng ủy Khối các trường Đại học - Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Hà Nội là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, là trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, GD&ĐT, khoa học công nghệ... của đất nước có lịch sử hàng ngàn năm với nhiều sắc thái văn hóa.
Các đặc trưng đó chi phối đến quy hoạch, thiết kế mô hình và phương thức quản lý Thủ đô. Vì vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải xem xét Hà Nội với tư cách là một đô thị, chức năng của đô thị với các đặc điểm của vị trí địa lý, sắc thái văn hóa, tập quán dân cư, mối quan hệ tương tác trong vùng... đảm bảo thiết kế phù hợp dựa trên nguyên lý chung về tổ chức không gian đô thị, đồng thời tính toán được những đặc trưng của Hà Nội.
Còn GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến, khung pháp lý của TP Hà Nội được thể hiện trong Luật Thủ đô năm 2012 không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã và đang từng bước được hoàn thiện là cần thiết và cần sớm được ban hành để thực thi.
Dự thảo Luật Thủ đô đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới với 26 điều luật mới, tương đương với quy mô 27 điều của Luật Thủ đô năm 2012. Trong đó, các nội dung về khoa học công nghệ, đào tạo và nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên được bổ sung nhiều điểm mới, luật hóa trong dự thảo luật lần này. Vì đó, khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của đất nước nói chung.
Nhấn mạnh nhân lực là nhân tố quyết định thành công cho mọi sự đổi mới, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kiến nghị: Hà Nội cần được quyền xây dựng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp trong tuyển dụng.
Hà Nội được phép ký kết đào tạo đội ngũ không chỉ trong nước mà cả với các đối tác quốc tế; có cơ chế thí điểm hợp đồng giáo viên nước ngoài đảm bảo chất lượng giảng dạy cả trong hệ thống công lập; được quyền công nhận chương trình, được quyền trao đổi học sinh với các đối tác.
GS.TS Nguyễn Văn Minh đề nghị cần chú trọng yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”. GD&ĐT của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa.
Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học để “ai ai cũng được học hành”. Coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưu việt và bình đẳng xã hội.
Riêng giáo dục mũi nhọn, cần củng cố và phát triển hệ thống trường chuyên, trường thực hành thuộc các trường đại học. Cùng đó, Hà Nội là thành phố có nhiều mối quan hệ quốc tế, có nhiều cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn. Hằng năm, số học sinh du học khá nhiều so với các địa phương khác. Sự liên thông của chương trình để được công nhận với khu vực và quốc tế phải được đặt ra, thay vì thuần túy liên kết với một vài trường nhỏ lẻ.
Nguồn lực quan trọng
Theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh – Học viện Hành chính Quốc gia, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị xác định rõ tinh thần Hà Nội phải đi nhanh, đi trước cả nước. Vì vậy, cần phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt là về biên chế.
Song song đó, xây dựng chính quyền đô thị với những đột phá về mô hình; đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương trên cơ sở phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và tập thể trong tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị.
“Đích đến là hoạt động thông suốt nhanh và hiệu quả, giảm bớt tổ chức trung gian, hướng tới chính quyền đô thị một cấp thống nhất. Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô chủ động, tự chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc của thành phố như về tổ chức bộ máy, biên chế, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính… và tạo ra cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực để phát triển tất cả các lĩnh vực...”, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh bày tỏ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, cùng một thời điểm, Hà Nội có 3 nhiệm vụ (hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô) đang triển khai đồng loạt, nếu làm tốt sẽ giúp cho Hà Nội có sự phát triển nhanh, bền vững.
Đây là 3 việc quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong quá trình triển khai, cần phải tranh thủ, tận dụng những ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các giới, ngành đặc biệt là giới trí thức đến từ các học viện, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo được cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Hà Nội đóng góp được nhiều hơn nữa cho cả nước. Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Ngay sau hội thảo, các ý kiến tham luận, góp ý sẽ được thành phố Hà Nội, ban soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học… hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
“Hà Nội có thế mạnh riêng so với các địa phương khác đó là số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn, đây là nguồn lực quan trọng để phát huy các thế mạnh. Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, để thực hiện tốt sứ mệnh, không đơn thuần là Thủ đô hành chính, chính trị mà còn là trung tâm kinh tế lớn về văn hóa, khoa học, GD&ĐT, hội nhập quốc tế”, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.