GS. Nguyễn Lân Dũng: Các em nên liệu sức mình khi đăng ký xét tuyển đại học, tránh 'xôi hỏng bỏng không'
Các thí sinh nên liệu sức mình khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, tránh việc 'xôi hỏng bỏng không'.
Ngày 17/7, Bộ GD&ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Từ 18/7, các thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Không hiếm em cảm thấy lúng túng vì không biết nên chọn thế nào để không "mất lượt" hay trượt đại học "oan".
Theo tôi, các bậc phụ huynh không nên ép các con em phải đăng ký vào những trường không hợp nguyện vọng, nhưng cũng nên khuyên các cháu cần liệu sức khi chọn trường, tránh việc "xôi hỏng bỏng không" vì không lượng được sức mình. Càng nên dựa vào nguyện vọng của các cháu chứ không chỉ nên chọn ngành nào mình quen biết để hy vọng có sẵn chỗ làm sau khi tốt nghiệp. Học ngành không yêu thích, hoặc chạy theo số đông là hại các cháu.
Nên hiểu rằng, “học để trở thành con người tự do”. Tự do tư tưởng chứ không bị áp đặt bởi người khác. Tự do thực hiện từng bước kế hoạch mà mình đã đặt ra nhằm tiến tới mục tiêu dài hạn của bản thân. Tự do kiến tạo nên hạnh phúc của đời mình. Đồng thời, tự do lựa chọn ngành nghề, đặc biệt là những ngành nghề phù hợp với một trong tám trí thông minh đã được các nhà khoa học xếp loại.
Kỷ nguyên số tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong mọi ngành nghề trong xã hội, năng lực cá nhân của từng bạn trẻ, nếu không theo kịp thì sẽ bị lạc hậu và có thể bị đào thải theo quy luật cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ yêu cầu các bạn trẻ về chuyên môn mà còn cần nhiều kỹ năng mềm. Do vậy, các bạn trẻ đừng nên từ chối bất kỳ cơ hội nào, hãy luôn năng động để tạo ra cơ hội cho chính mình. Đối với sinh viên mới ra trường, sự năng động, trải nghiệm thực tế là điều cần thiết. Điều đó sẽ giúp các bạn tìm kiếm thêm cơ hội việc làm và biết hạn chế của bản thân là gì để thay đổi.
"Trong cuộc CMCN 4.0 biết bao thách thức, nhất là ai cũng có thể thất nghiệp. Nhưng cũng tràn đầy cơ hội nếu lớp thanh niên có ý chí phấn đấu, có sức khỏe, có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin. Hơn hết, các em cần 'lột xác', tạo ra những cú huých cho bản thân để phù hợp với thời đại".
Những năm gần đây, nhiều công ty không còn quá chú trọng đến việc tuyển những người có bằng cấp, thay vào đó họ sẽ đánh giá ứng viên thông qua quá trình phỏng vấn. Các nhà tuyển dụng sẵn sàng chọn những ứng viên phù hợp với tiêu chí của công ty đặt ra và chấp nhận đào tạo lại một cách bài bản.
Tôi vẫn thường nói rằng, sản phẩm giáo dục chính là con người, là một loại hàng hóa đặc biệt nên cũng khác hoàn toàn so với cách vận hành của hàng hóa thông thường. Giáo dục có những sứ mệnh đặc biệt, không giống như các ngành kinh tế khác, sản phẩm của ngành giáo dục chính là con người và kỹ năng mà giáo dục cung cấp.
Xu thế toàn cầu hóa, các bạn trẻ sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh ngay trên chính "sân nhà”. Khi có cơ hội, các bạn trẻ hãy sắp xếp thời gian để đến doanh nghiệp tham quan, học hỏi, tích lũy để có thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhiều sinh viên thường hay ảo tưởng về tấm bằng và năng lực của bản thân.
Đất nước ta đã chạm mốc 100 triệu dân, có truyền thống hiếu học, đây sẽ là thị trường giáo dục màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mấu chốt ở đây chính là chất lượng sản phẩm, nếu sản phẩm chất lượng thấp sẽ khó cạnh tranh với những sản phẩm chất lượng cao.
Trong xu hướng phát triển hiện nay, Việt Nam vẫn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao và lành nghề. Khoa học và công nghệ có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm thay đổi quá trình tổ chức, trình độ chuyên môn, là động lực thúc đẩy người lao động không ngừng học hỏi, tự đào tạo, tự chiếm lĩnh kiến thức.
Cuộc CMCN 4.0 tạo ra biết bao thách thức, nhất là ai cũng có thể thất nghiệp. Nhưng cũng tràn đầy cơ hội nếu lớp thanh niên có ý chí phấn đấu, có sức khỏe, có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin. Hơn hết, các em cần “lột xác”, tạo ra những cú huých cho bản thân phù hợp với thời đại....