GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: USTH chuẩn bị 15 năm để sẵn sàng chào đón những cơ hội mới do Nghị quyết 57 mang lại
Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong có cuộc trao đổi với GS.TS Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) về Nghị quyết số 57 trước thềm tuyển sinh năm 2025.
![Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_176_51421514/936c2fff16b1ffefa6a0.jpg)
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh.
Thưa bà, Nghị quyết 57 có tác động như thế nào đến việc tuyển sinh của những trường đào tạo nhân lực khoa học công nghệ như USTH trong thời gian tới?
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Có thể khẳng định rằng Nghị quyết số 57/NQ-TW sẽ có tác động rất tích cực đến việc tuyển sinh của những trường đào tạo về khoa học và công nghệ như USTH trong thời gian tới. Thống nhất từ Quan điểm chỉ đạo đến Nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết đã nêu rõ “Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi”, trong đó, yêu cầu tiên quyết về phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được cụ thể hóa rất rõ trong 7 nhiệm vụ của Nghị quyết. Với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, USTH tin tưởng Nghị quyết 57 sẽ là đòn bẩy để đưa nền KHCN của Việt Nam tiệm cận với KHCN tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới. Vì vậy bên cạnh việc đầu tư về tài chính, tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ hiện đại, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHCN là chìa khóa để đất nước ta nắm bắt cơ hội và vượt qua các thách thức nhằm hiện thực hóa thành công nghị quyết 57.
Thực tế cho thấy, con người là yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển đột phá KHCN, nhu cầu nhân lực KHCN trình độ cao trong thời gian tới là rất cần thiết, điều này mang lại rất nhiều cơ hội phát triển cũng như thu hút được các bạn trẻ tài năng, đam mê khoa học tự nhiên, tạo nguồn nhân lực chủ chốt để bắt kịp và làm chủ được khoa học - công nghệ trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu hiện nay.
![Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh trao học bổng cho sinh viên USTH.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_176_51421514/759acb09f2471b194256.jpg)
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh trao học bổng cho sinh viên USTH.
Trường USTH đã và đang chuẩn bị những gì để đón lấy những cơ hội mới do Nghị quyết 57 đem lại?
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Chúng tôi đã chuẩn bị 15 năm để sẵn sàng chào đón những cơ hội mới do Nghị quyết 57 mang lại.
- Chuẩn bị về chương trình đào tạo: Từ khi được thành lập vào năm 2009, định hướng đào tạo của USTH được duy trì và liên tục mở rộng không chỉ phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chính phủ theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, mà còn đáp ứng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024) và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 1/3/2024). Bên cạnh đó, chương trình đào tạo tại USTH được thiết kế giảng dạy bằng tiếng Anh, hướng tới đào tạo Công dân toàn cầu. USTH mong muốn có thể mang lại chương trình đào tạo nơi mà các em sinh viên được trang bị đủ năng lực, kiến thức, tư duy, ngôn ngữ và tâm thế để làm việc tại mọi quốc gia và sẵn sàng giải quyết các vấn đề trên thế giới.
- Chuẩn bị về nhân lực: Để có thể đào tạo được những thế hệ trẻ năng động và đam mê khoa học, đội ngũ giảng viên của USTH ngoài các chuyên gia, giáo sư hàng đầu đến từ Pháp, phần lớn đều là Tiến sĩ được cử đi nghiên cứu và đào tạo tại các nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Đồng thời, trường luôn quan tâm xây dựng chính sách thu hút giảng viên chất lượng cao, không chỉ giỏi về khoa học mà còn giảng dạy tốt bằng tiếng Anh.
- Chuẩn bị về cơ sở vật chất và mạng lưới hợp tác: Trường liên tục mở rộng và củng cố mạng lưới đối tác trong nước và quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh việc sở hữu những máy móc, thiết bị nghiên cứu đồng bộ hiện đại, các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế , được sự ủng hộ của cơ quan chủ quản là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, USTH được hỗ trợ tối đa trong sử dụng nguồn lực từ các viện nghiên cứu.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_176_51421514/74ecc47ffd31146f4d20.jpg)
![Sinh viên USTH trong giờ thực hành.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_176_51421514/31178484bdca54940ddb.jpg)
Sinh viên USTH trong giờ thực hành.
- Đặc biệt,từ năm 2025, USTH sẽ phối hợp cùng với Báo Tiền Phong đồng tổ chức Ngày hội tuyển sinh khối các ngành khoa học và công nghệ. Chúng tôi rất mong sự kiện này sẽ tạo cơ hội được trải nghiệm thực tế, truyền cảm hứng cho các em học sinh, tuyên truyền sâu rộng tinh thần của Nghị quyết 57/NQ-TW đến thế hệ trẻ và các gia đình, những tế bào của xã hội Việt Nam, góp phần vào nhiệm vụ phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt, trong bối cảnh tỷ lệ học sinh chọn học các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ liên tục giảm trong những năm gần đây (Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
![Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng USTH - tặng quà lưu niệm nhà báo Phùng Công Sưởng – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - tại chương trình ký kết hợp tác giữa hai đơn vị. Ảnh: Dương Triều.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_176_51421514/6887dc14e55a0c04554b.jpg)
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng USTH - tặng quà lưu niệm nhà báo Phùng Công Sưởng – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - tại chương trình ký kết hợp tác giữa hai đơn vị. Ảnh: Dương Triều.
Hiện nay nhiều trường đã công bố các phương thức tuyển sinh mới. Trường USTH năm nay có thay đổi gì về các phương thức xét tuyển không?
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Về cơ bản, trường giữ ổn định về 04 Phương thức xét tuyển với 3 Phương thức xét tuyển riêng bao gồm Xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực do Trường tổ chức, Xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT kết hợp phỏng vấn, Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường và 1 Phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, các tiêu chí tuyển sinh được điều chỉnh để phù hợp với năng lực của thí sinh do năm học 2025-2026 là năm đầu tiên USTH tuyển sinh khóa học sinh tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi ĐGNL do Trường tổ chức, ngân hàng câu hỏi thi kiến thức đã được xây dựng bám sát với chương trình mới và tất cả thí sinh đều có cơ hội được thể hiện năng lực tư duy logic, động lực học tập cũng như tính phù hợp của bản thân với chương trình đào tạo tại phần thi phỏng vấn. Trường cũng giảm số lượng môn trong tổ hợp xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả học tập cấp THPT kết hợp phỏng vấn từ 5 môn Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học xuống thành 3 môn phù hợp theo yêu cầu của từng chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, Trường bổ sung môn Tin học và Công nghệ trong tổ hợp xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
![Sinh viên USTH trong giờ thực hành.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_176_51421514/b9410fd2369cdfc2868d.jpg)
Sinh viên USTH trong giờ thực hành.
Bà có lời khuyên gì cho các bạn học sinh đang học lớp 12 có mong muốn theo học các ngành khoa học công nghệ?
Các bạn học sinh lớp 12 năm nay thực sự đang đứng trước ngưỡng cửa của rất nhiều cơ hội cho sự phát triển, không chỉ tại Việt Nam mà còn tại các cường quốc trên thế giới...
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khoa học và công nghệ sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam. Không chỉ là cơ hội được nâng cao kiến thức, ứng dụng kiến thức, nuôi dưỡng đam mê của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, mà còn là cơ hội được khẳng định sức trẻ, được cống hiến, được hòa mình vào dòng chảy của lịch sử góp phần xây dựng Tổ quốc vững mạnh. Trên thế giới, chính sách đầu tư và thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã giúp các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc khẳng định vị trí dẫn đầu không chỉ trong khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng mà còn cả trong phát triển kinh tế và xã hội. Các nhiệm vụ trong Nghị quyết 57 được đưa vào đời sống sẽ là một cú hích, làm dịch chuyển cán cân trong cơ hội việc làm của hai khối ngành lớn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tại Việt Nam. Hội tụ tất cả các yếu tố, các bạn học sinh lớp 12 năm nay thực sự đang đứng trước ngưỡng cửa của rất nhiều cơ hội cho sự phát triển, không chỉ tại Việt Nam mà còn tại các cường quốc trên thế giới, nên các em chỉ cần học thật tốt, chọn thật trúng, ngoại ngữ trôi chảy, cơ hội sẽ đến với các em có kiến thức và có đam mê với khoa học và công nghệ. Chúc các em thành công!
Trân trọng cảm ơn bà!
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Trường Đại học Việt – Pháp) là trường đại học công lập được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ Hiệp định liên Chính phủ giữa hai nước Việt Nam và Pháp với định hướng trở thành trường đại học xuất sắc đẳng cấp quốc tế đào tạo về khoa học và công nghệ. Trường trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cơ quan nghiên cứu hàng đầu quốc gia, đồng thời nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Liên minh hơn 30 trường đại học, tổ chức nghiên cứu uy tín của Pháp trong đào tạo và nghiên cứu.