GS. TS Phạm Hồng Quang: 'Điểm cao tràn lan sẽ làm mất đi giá trị thực của kỳ thi'

Liên quan đến chất lượng đề thi, GS. TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục bày tỏ quan ngại, nếu đề ra quá dễ, không có tính phân loại sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và ảnh hưởng đến niềm tin xã hội.

>

Chia sẻ tại Hội nghị phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, GS. TS Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục nhấn mạnh, bên cạnh việc xét tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12, kỳ thi tốt nghiệp không chỉ để xét tuyển mà còn để đánh giá toàn diện năng lực người học, qua đó phát hiện tiềm năng và định hướng con đường học tập phù hợp.

GS. TS Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục.

"Luật Giáo dục đã khẳng định mục tiêu là phát triển con người toàn diện và đánh thức tiềm năng cá nhân. Thi tốt nghiệp không thể chỉ để phục vụ tuyển sinh đại học", GS. TS Phạm Hồng Quang nói.

Theo GS. TS Phạm Hồng Quang, mỗi học sinh có quyền lựa chọn tương lai theo năng lực và bối cảnh riêng, do đó hệ thống thi cử cần đảm bảo sự phân loại rõ ràng, khách quan. Điểm thi chỉ có giá trị khi được nhìn nhận trong mối quan hệ với điều kiện học tập, môi trường sư phạm, hoàn cảnh vùng miền và mức độ đầu tư của mỗi địa phương.

Ví dụ, trong kỳ thi năm nay, môn Tin học lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm, đã ghi nhận phổ điểm cao ở nhiều tỉnh miền núi như Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Tuyên Quang, Hòa Bình. Một số môn xã hội như Địa lý, Lịch sử cũng cho thấy kết quả tốt ở những địa phương vốn gặp khó khăn. Điều này, theo GS. TS Phạm Hồng Quang, là minh chứng cho nỗ lực của nhà trường, giáo viên và học sinh ở những vùng không thuận lợi.

Phổ điểm môn tiếng Anh năm 2025.

GS. TS Phạm Hồng Quang cho rằng, trong bối cảnh quốc tế, nhiều nước rất coi trọng các bài tự luận, thư giới thiệu của giáo viên, và các hình thức đánh giá năng lực đa dạng khác ngoài điểm số. Việt Nam cần học hỏi cách tiếp cận này, để từ đó xây dựng một hệ sinh thái giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, tạo điều kiện để các em được đánh giá công bằng và toàn diện hơn.

Liên quan đến chất lượng đề thi, GS. TS Phạm Hồng Quang bày tỏ quan ngại nếu đề ra quá dễ, không có tính phân loại sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và ảnh hưởng đến niềm tin xã hội.

Điểm cao tràn lan sẽ làm mất đi giá trị thực của kỳ thi. Những trường đại học tốp đầu sẽ không thể phân loại đúng thí sinh, dẫn đến hệ quả tiêu cực cho cả hệ thống", GS. TS Phạm Hồng Quang nhận định.

Ông cũng đề xuất cần có lộ trình đổi mới đánh giá và thi cử, trong đó chú trọng việc xác định đúng năng lực của học sinh để các em lựa chọn được hướng đi phù hợp có thể là học đại học, học nghề, vừa học vừa làm, hoặc tham gia thị trường lao động sớm. Đây cũng là định hướng phù hợp với bối cảnh hiện đại, khi giáo dục không chỉ nhằm “thi để vào đại học” mà là nền tảng để học sinh sống, làm việc và khám phá thế giới.

“Chúng ta cần đánh giá học sinh theo cách khơi dậy tiềm năng, thay vì đồng hóa các em vào cùng một chuẩn điểm số. Giáo dục là để tạo dựng nhân cách, năng lực và động lực sống suốt đời chứ không chỉ là để thi đỗ một kỳ thi”, GS. TS Phạm Hồng Quang nói.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/gs-ts-pham-hong-quang-diem-cao-tran-lan-se-lam-mat-di-gia-tri-thuc-cua-ky-thi-post1760464.tpo