Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Điểm số không phải thước đo duy nhất

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, dù điểm là thông số định lượng quan trọng, nhưng không phải là thước đo duy nhất.

Thành công từ sự đổi mới căn bản

“Đến giờ phút này, có thể khẳng định Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 thành công tốt đẹp, bảo đảm mục tiêu đề ra”, đây là khẳng định của Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị Thông tin phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, tổ chức vào chiều 15/7.

Lời khẳng định của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ dựa trên những con số thống kê hay báo cáo hành chính mà dựa trên cả một quá trình đổi mới mạnh mẽ, kiên trì và đồng bộ của toàn ngành giáo dục, từ công tác quản lý đến phương pháp giảng dạy, từ cách ra đề đến cách chấm thi, coi thi.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi năm nay mang trong mình sứ mệnh quan trọng: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu trung thực, đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Kết quả thi không chỉ phục vụ xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, mà còn là thước đo chất lượng dạy học của các cơ sở giáo dục, đồng thời phản ánh công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý.

Hội nghị Thông tin phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Ảnh: Trần Hiệp

Hội nghị Thông tin phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Ảnh: Trần Hiệp

Điều đáng nói, kỳ thi lần này diễn ra trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện bước chuyển quan trọng từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Sự thay đổi ấy đặt ra áp lực không nhỏ với các cấp quản lý, với từng giáo viên, học sinh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thừa nhận: “Đó là thử thách lớn, bởi tiêu chí ra đề đã thay đổi hoàn toàn, hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Mỗi thí sinh được quyền chọn môn thi phù hợp với sở trường, điều này đồng nghĩa với việc có môn ở một số địa phương chỉ có một thí sinh dự thi, song vẫn được tạo điều kiện tối đa”.

Bên cạnh đó, hình thức thi mới cũng kéo theo những yêu cầu khắt khe trong tổ chức. Buổi thi môn lựa chọn diễn ra đồng loạt cho nhiều môn là một thử thách chưa từng có. Nhưng vượt lên trên những áp lực ấy, học sinh cảm thấy phấn khởi vì lần đầu tiên được tự do thể hiện sở trường. Sự thay đổi này, theo Thứ trưởng, chính là thành công lớn nhất, “thành công về tư duy giáo dục, khi thi cử không còn là nỗi ám ảnh mà trở thành cơ hội để các em chứng minh năng lực thật”, ông nói.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

Điều quan trọng hơn cả, kết quả kỳ thi lần này cho thấy sự ổn định và khoa học trong thiết kế đề thi. Thứ trưởng khẳng định, phổ điểm không có sự “sốc” như nhiều người lo ngại; các thông số như trung bình, trung vị, chuẩn lệch đều tương thích, phản ánh chính xác chất lượng dạy và học. Đây cũng là lần đầu tiên quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết nối chặt chẽ với tuyển sinh đại học, đảm bảo quyền lợi học sinh, hướng đến đào tạo nhân tài thật, chất lượng thật như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Niềm tin vào một nền giáo dục thật

Kết quả kỳ thi không chỉ phản ánh năng lực học sinh, mà còn chứng minh sức mạnh của cả hệ thống giáo dục trong quá trình đổi mới. Theo đánh giá của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, học sinh đã chuyển trạng thái nhanh, thích ứng tốt với hình thức thi mới; giáo viên cũng thay đổi phương pháp dạy, tập trung hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh thay vì chỉ dạy theo khuôn mẫu.

Cần bỏ dần tư duy chỉ đánh giá dựa trên điểm số. Dù điểm là thông số định lượng quan trọng, nhưng không phải là thước đo duy nhất”, Thứ trưởng nhấn mạnh vì giáo dục phải nhìn nhận cả quá trình rèn luyện, học tập chứ không chỉ dừng ở kết quả tức thì.

Chia sẻ thực tiễn giảng dạy, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, dạng đề thi mới buộc học sinh phải có kiến thức thật mới giải được, không còn chỗ cho học mẹo. Đề tiếng Anh dù dài nhưng hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12, đồng thời đặt ra yêu cầu phải coi ngoại ngữ như một sinh ngữ, rèn đủ bốn kỹ năng để học sinh có thể sử dụng trong thực tế.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Trần Hiệp

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Trần Hiệp

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành cũng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ khâu chỉ đạo dạy học, ôn tập đến tổ chức thi. Ông khẳng định, kỳ thi năm nay có sự phân hóa rất tốt, đồ thị phổ điểm mượt mà, phản ánh đúng thực chất và là cơ sở tin cậy để các trường đại học sử dụng trong xét tuyển.

Cùng quan điểm đó, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét, phổ điểm năm nay thú vị và bất ngờ, nhất là với môn Toán và tiếng Anh. Đề thi đã giúp phân loại, đánh giá năng lực học sinh rõ ràng hơn, hạn chế tối đa những nhận định cảm tính. “Dường như khả năng thích ứng của học sinh tốt hơn nhiều so với cách người lớn vẫn nghĩ. Dữ liệu phổ điểm hiện nay đã trả lời rõ ràng cho những nghi ngờ, đó là tín hiệu lạc quan”, ông nói.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, giáo viên, các địa phương, cơ quan truyền thông đã đồng hành cùng ngành giáo dục. Ông nhấn mạnh, để đổi mới thành công, ngành giáo dục phải tiếp tục kiên trì, nhất quán và đi vào thực chất, từ công tác quản lý đến giảng dạy, đánh giá. Việc đổi mới không thể chỉ dừng lại ở những con số hay kết quả thi cử nhất thời, mà phải hướng đến mục tiêu lâu dài là xây dựng một nền giáo dục phát triển bền vững, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội và đất nước.

8 giờ sáng mai 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Sau khi biết điểm, thí sinh sẽ nhận được giấy chứng nhận kết quả thi, chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, học bạ trung học phổ thông, chậm nhất vào 22/7.Thời gian đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học là từ 16/7 đến 17h ngày 28/7, không giới hạn số lần. Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ 29/7 đến 17h ngày 5/8.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-truong-pham-ngoc-thuong-diem-so-khong-phai-thuoc-do-duy-nhat-410670.html