GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh -Một đời người và ngàn rừng cây
Với những người làm trong giới bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam là một cá nhân xứng đáng có mặt tại lễ vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã từ 2010 – 2020.
Điều đáng nói là cách đây 3 năm, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cũng là người Việt Nam đầu tiên và là một trong số 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN” vì có nhiều đóng góp cho đa dạng sinh học ASEAN thông qua các hoạt động, những sáng kiến của mình, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực.
Rừng ơi, người lính năm xưa đã trở về…
Sinh năm 1933 tại thôn Trước Hà, xã Đại Lãnh, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, từ khi còn rất trẻ, ông Đặng Huy Huỳnh đã tham gia thiếu sinh quân để phá tề, diệt ác, đóng góp sức mình bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước, người lính Đặng Huy Huỳnh đã từng chiến đấu tại các chiến trường Liên khu 5, Chiến trường Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia.
Và với ông, chính hành trình của dấu chân người lính này đã là một cơ duyên để đưa ông đến ngành sinh vật học, dành tình yêu cả cuộc đời mình cho những cánh rừng. “Đi qua những cánh rừng của Việt Nam, tôi thấy rừng nước mình đẹp quá, các loài động vật rất nhiều. Rừng che chở đoàn quân, rừng nuôi sống chúng tôi trong những tháng ngày hành quân vất vả. Có những lần, trên bước đường hành quân, chứng kiến cả vạt rừng tan hoang, cây cối trơ trụi vì bom đạn, tôi và đồng đội đứng ngẩn ngơ, đau xót như chính thân thể mình đang bị thương tích. Không biết tự lúc nào, tôi đã tự hứa với lòng mình, nếu còn sống trở về, nhất định tôi sẽ làm điều gì đó để hồi sinh màu xanh cho rừng…”, ông kể.
Thực hiện lời hứa ấy, hơn 60 năm qua, suốt những cánh rừng trên dải đất hình chữ S từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến mũi Cà Mau đã nhiều lần in dấu chân ông. Người lính từng đứng lặng đau xót trước những “cánh tay rừng” khẳng khiu, trơ trọi giơ lên kêu cứu năm nào, nay đã trở về hồi sinh lại màu xanh cho rừng. Và nay, khi tuổi đã cận kề con số 90, nhưng với tình yêu mẹ thiên nhiên luôn cháy bỏng, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh vẫn tiếp tục góp sức mình để để bảo tồn và phát huy những giá trị tươi đẹp của sinh cảnh Việt.
Chấp nhận gian khổ để cống hiến cho thiên nhiên Việt Nam
Tháng 8/2017, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Asean, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh đã vinh dự là 1 trong 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu Anh hùng Đa dạng sinh học Asean và ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý này.
Phát biểu tại buổi lễ chúc mừng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, đây là sự ghi nhận xứng đáng với những đóng góp tích cực và thiết thực của GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và trong khu vực, là niềm tự hào của các nhà khoa học, nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam.
Quả đúng là như vậy, kể từ 1954, khi anh bộ đội Đặng Huy Huỳnh tập kết ra Bắc và tiếp tục sự nghiệp học hành của mình với quyết tâm dù gian khổ đến mấy vẫn theo học ngành sinh vật học, đến nay đã là một hành trình dài GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh gắn bó và cống hiến cho thiên nhiên Việt Nam.
Ông đã có những chuyến đi thực địa hàng tháng trời vào miệt rừng xa, núi thẳm trong hoàn cảnh khan muối, đói cơm lại nơm nớp Phun-rô rình rập tại các tỉnh Gia Lai, Ðác Lắc, Lâm Ðồng nhằm điều tra tổng hợp mọi mặt trong chương trình trọng điểm quốc gia về Tây Nguyên (1976 - 1985). Những cuộc băng rừng, lội suối nơi thâm sơn, cùng cốc của Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai hay chân ngập sình lầy trong các cánh rừng ngập mặn thuộc Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.. để thực hiện các nghiên cứu khoa học cùng đồng nghiệp. Kết quả của những chuyến đi đó là đến thời điểm này, ông gần 200 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, 15 cuốn sách chuyên khảo được phát hành.
Sẽ thiếu sót nếu không kể đến những năm tháng ông gắn bó với Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trên cương vị Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Tại đây ông đã chủ trì và chủ nhiệm hàng chục đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ hoặc tham gia các nhiệm vụ khoa học đột xuất của Chính phủ.
Trong đó, có Chương trình nghiên cứu, điều tra tổng hợp các tỉnh Tây Nguyên (thời kỳ 1976 - 1985); chương trình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; dự án nhân nuôi thành công một số loài động vật có giá trị kinh tế cao như hươu sao, nhím, nai, ba ba… góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, ông còn tham gia Hội đồng quản trị chương trình hợp tác nghiên cứu tài nguyên thực vật các nước Ðông-Nam Á (PROSEA); chuyên gia giáo dục môi trường quốc tế EEC/IUCN…
Ðóng góp không biết mệt mỏi cho khoa học và công nghệ của GS.TSKH Ðặng Huy Huỳnh đã được Ðảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, thể hiện ở hai lần ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về tập Atlas quốc gia (năm 2005) và công trình về Ðộng vật chí, Thực vật chí và Sách đỏ Việt Nam (năm 2010)…
Nhắc đến cây di sản không thể không nhắc đến công lao của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. Tuổi cao nhưng ông không hề nề hà những chuyến đi ngược Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang để thẩm định và công nhận cây di sản. Cùng với đồng nghiệp, ông đã đi vận động các địa phương bảo vệ những loài cây cổ thụ, cây quý hiếm và để đến nay, theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có gần 3000 cây ở 52 tỉnh, thành phố trong cả nước được công nhận là cây di sản, một con số rất ý nghĩa trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có phần lớn công sức của Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã nỗ lực vận động trong suốt những năm qua.
Ước mơ của người anh hùng thiên nhiên
Tết năm 2020 khi về ăn Tết tại quê nhà Quảng Nam, chia sẻ với truyền thông về những thành quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh cho biết, Việt Nam là một trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao. Ta có 2.660 con sông, đường bờ biển trải dài 3.260km. Lại có 16.500 loài thực vật, có hơn 13.500 loài thực vật bậc cao, hơn 3.000 loài thực vật bậc thấp. Nếu nghiên cứu đầy đủ, nước ta có thể có hơn 20.000 loài thực vật, rất nhiều loài chúng ta chưa biết.
Động vật hoang dã hơn 21.000 loài, động vật có vú hơn 320 loài, chim có hơn 1.400 loài, bò sát có hơn 450 loài, ếch nhái, lưỡng cư có hơn 350 loài. Các loài côn trùng, có lợi lẫn hại, có những côn trùng y học, nông nghiệp hơn 12.500 loài. Khoảng 90% số đó là có lợi, có thể ăn được, làm thuốc được. Cá biển, chúng ta có hơn 2.500 loài; cá nước ngọt có 1.100 loài; tôm, cua biển có hơn chục nghìn loài, rồi san hô, cỏ biển… Độ che phủ rừng của chúng ta hiện đạt hơn 41%.
Chúng ta có hệ thống 34 vườn quốc gia, 176 khu bảo tồn thiên nhiên, 58 khu bảo tồn, khu dự trữ thiên nhiên, có 14 khu bảo tồn biển, có 9 khu bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước. Ta có 2 khu di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long, Tràng An - Ninh Bình... Chúng ta xuất bản, biên soạn nhiều tài liệu làm cơ sở cho luật pháp về đa dạng sinh học. Những bộ “Động vật chí”, “Thực vật chí” và “Sách đỏ Việt Nam” của ta được đánh giá cao, được tặng thưởng, tôn vinh. Tất cả là sự kỳ công của giới khoa học, cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Tự hào về mẹ thiên nhiên đất Việt là vậy, ông Đặng Huy Huỳnh cũng bày tỏ những lo lắng của mình về khó khăn, thách thức mà công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay gặp trong tiến trình phát triển kinh tế.
“Nhiều doanh nghiệp, địa phương lo kinh doanh mà chưa quan tâm vấn đề môi trường, một số địa phương lo phát triển kinh tế mà còn xem nhẹ môi trường. Tình trạng săn bắn động vật hoang dã, phá rừng trái phép vẫn tiếp diễn. Nếu không kiểm soát chặt thì những năm sau này nhiều loài động vật quý hiếm sẽ không còn. Việt Nam đã có ít nhất 9 loài tuyệt chủng do nạn săn bắn. Tê giác 1 sừng, 2 sừng trước kia ta có rất nhiều nhưng đã bị tuyệt chủng và con cuối cùng bị bắn chết ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Nhiều nguồn gen quý cũng bị mất, nếu còn được nguồn gen quý sẽ có thể lai tạo ra nhiều loài quý và mới.
Cơ chế thị trường, biến đổi khí hậu hiện rất khó lường, nếu thiếu chính sách bền vững, cộng đồng không tham gia hưởng ứng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách phát triển kinh tế. Cần cân đối 3 mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường. Tôi rất vui mừng khi gần đây Đảng, Nhà nước chủ trương “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Hy vọng, đây sẽ là động lực lớn cho sự phát triển. Phát triển kinh tế xanh, sống xanh, tiêu dùng xanh, học tập xanh và hy vọng rằng chúng ta sẽ làm được điều đấy” – GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Ông được phong hàm Giáo sư (1991); được tặng Huân chương chống Mỹ hạng Hai (1983); Huân chương Lao động hạng Nhất (1997); Giải thưởng Hồ Chí Minh về tập Atlas Quốc gia (2005), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (2010); Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2010) cùng nhiều huân, huy chương và giải thưởng khác. Ông thông thạo 4 ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Lào. Ông có 165 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; xuất bản 15 sách chuyên khảo về động vật học, tài nguyên động vật…