Gừng ơi nhớ quá!
Gừng quê không ngồn ngộn bày ra trước mắt người như gừng ở phố. Nó chỉ xuất hiện khi mẹ cần kho cá, khi có ai đó bị cảm lạnh, hay khi cô nhóc nhà bên chạy ù sang xin củ gừng về pha nước mắm
Ngày nhỏ, có lần tôi bị đau bụng dữ dội. Mẹ bình tĩnh, rồi lặng lẽ đi ra sau vườn cùng với một con dao rựa. Nhìn bí hiểm lắm, tôi không khỏi tò mò.
Lát sau mẹ vào bếp, tay cầm một nhánh gừng lấm láp đầy đất, nhú cả những mầm non. Rồi mẹ rửa sạch, đun sôi nước, giã nhánh gừng kia ra, pha với nước sôi và muối, đưa cho tôi uống. Mẹ bảo: "Uống đi. Cho nhanh khỏi".
Ấy thế mà tôi khỏi đau bụng thật. Cho tới 30 năm sau, khi rời xa quê nhà, xa mẹ, sống ở thành phố xô bồ náo nhiệt, lâu lâu vui miệng ăn uống phủ phê, tôi lại nhớ tới cái nhánh gừng lấm đầy đất nơi vườn nhà của mẹ.
Thì ra, không chỉ trong vườn nhà của tôi, trong vườn nhà bà ngoại, quanh năm cũng có một cụm đầy gừng mọc lên. Dưới lòng đất là gừng, trên mặt đất là cây gừng, chúng lớn lên, cao tới đầu gối người lớn, trổ những chiếc lá từ non tơ mướt mát rồi tới khi già sẫm lại, nhòn nhọn đâm lên trời một khoảng be bé đáng yêu.
Dường như đối với người quê tôi, việc nhà ai cũng nên có một cụm gừng trồng nơi góc vườn là một chuyện rất bình dị, đời thường. Ở phố, đi chợ, mua gừng dễ dàng biết bao. Những củ gừng được rửa sạch, thân to, nhìn toát lên cái vẻ "lực lưỡng, mũm mĩm", được người ta bày cả đống bán bên hành tỏi và sả, ớt, chanh. Củ gừng nơi phố thị chẳng có nét riêng chút nào. Nó hoàn toàn khác với nhánh gừng còi cọc, đen đúa đất cát, lại luôn nhú lên những nhánh mầm xanh yêu dấu như ở nhà quê. Gừng quê không ngồn ngộn sẵn sàng bày ra trước mắt con người ta như gừng ở phố. Nó chỉ xuất hiện khi mẹ cần kho cá, khi có ai đó bị cảm lạnh, hay khi cô nhóc nhà bên chạy ù sang nhà mình và nói: "Bác Hòe ơi, cho con xin củ gừng về pha nước mắm".
Củ gừng. Cái củ thân thương ấy, lá thì dùng xào thịt bò hay kho cá gợi mùi thơm nức nở mà gần đây nhiều người mới biết như một phát hiện vĩ đại. Còn cái nhánh gừng be bé kia, lại như một thần dược dân dã luôn có sẵn trong những mảnh vườn quê, trải dài suốt từ Nam chí Bắc, trên mảnh đất thân thương này. Nó gắn bó với người quê như một người bạn âm thầm. Nó đi theo năm tháng của một đời người từ khi sinh ra tới khi già đi. Bởi nó như một thứ hữu hình bình thường, nhỏ bé mà lại hộ thân cho rất nhiều người mỗi khi cảm mạo, trúng gió, đau bụng. Không chỉ vậy, nó còn dùng để nấu cháo với lá tía tô, để pha cùng mật ong uống khi một cơn đau dạ dày bất chợt kéo đến. Nó còn dùng để làm mứt khi Tết về, mẹ lại kì cạch gọt gọt rửa rửa rồi sên trên bếp với đường. Con cái từ phương xa về ăn Tết mới thấm thía cái vị đất, vị trời nơi làng quê mình trong từng miếng mứt gừng mẹ làm.
Bây giờ, ở thành phố, lại nhớ hôm nào khi ở quê, mẹ đi chợ mua cá về, ướp nào tương, nào mắm muối, ít tóp mỡ, không quên lại cầm con dao ra vườn, đào lấy nhánh gừng, cắt thêm ít lá non bên trên, về rửa sạch thả vào nồi cá kho. Mùi cá đượm trong mùi gừng, vùi cả trong than hồng, đứng bên sân nhà hàng xóm mà nghe trong bếp nhà mình bay lên ngất ngây cái mùi mộc mạc đậm đà và thơm ngon ấy sao mà thiết tha đến thế.
Ôi, củ gừng thân thương. Khi người ta mải mê với phố phường, khăn áo và cà phê này kia, sao tôi chỉ nhớ cái nhánh gừng ngày xưa của mẹ.
Bao năm rồi, gừng vẫn đâm lên xanh tươi nơi góc vườn. Nhưng mẹ thì già đi trông thấy. Bây giờ, mỗi khi về quê, thay vì mẹ hăng hái đi hái gừng kho cá cho con gái ăn, lại hom hem gọi thằng cháu ngoại tới, bà chậm rãi dắt tay cháu ra vườn nhà, rồi kể chuyện xưa mẹ mày thế này thế kia, rồi bà chỉ cháu đây là củ gừng nhé, củ gừng như thế này này, dùng để làm cái này này... Thế nhé, đào đi bà chỉ cho...
Cứ thế, mỗi lần nhớ mẹ, lại nhớ mảnh vườn xưa, lại nhớ cái góc vườn trổ lên những cụm gừng xinh xinh, nhỏ bé mà lưu luyến đến lạ kỳ.
Bà ngoại trồng gừng, chẳng phải để hái lá nấu canh hằng ngày như rau ngót, rau đay. Bà cứ trồng nó như một vật dự phòng, quanh năm ở đó, chuyện nhà chuyện bếp, chuyện xóm giềng đôi khi nhớ nhau, cần nhau lại liên quan tới cái cụm gừng nơi góc vườn của ngoại.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoc/gung-oi-nho-qua-20200215191347776.htm