Guốc mộc Yên Xá 'hồi sinh' với diện mạo mới

Với xu hướng sống 'xanh', những sản phẩm thủ công làm từ vật liệu tự nhiên được nhiều người ưa chuộng. Giới trẻ tìm về với cổ phục, áo dài, kèm theo đó là phụ kiện phù hợp. Guốc mộc vì thế cũng 'sống lại' với diện mạo mới.

Nghề làm guốc mộc ở làng Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã có từ hàng trăm năm trước. Yên Xá giờ đây làng đã lên phố, những dấu ấn về một làng nghề xưa đã bị mai một. Về Yên Xá, hỏi người làm guốc mộc, người làng cho biết "có lẽ giờ chỉ còn ông Đức làm".

Người thợ lên khuôn đế từ thớ gỗ bằng bút và 1 chiếc thước nhỏ

Người thợ lên khuôn đế từ thớ gỗ bằng bút và 1 chiếc thước nhỏ

"Guốc mộc chủ yếu được làm từ gỗ xoan. Các công đoạn hoàn thành đôi guốc mộc bao gồm xẻ gỗ, lên khuôn, tạo hình, mài nhẵn rồi đóng đế và quai. Đinh đóng quai là loại đinh đồng riêng, được đặt làm từ làng nghề đúc đồng. Quai nếu bằng vải lụa thì là lụa Vạn Phúc. Những người làm nghề thủ công truyền thống xưa luôn có bạn hàng. Nếu giờ mình bỏ, nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nên có vất vả, tôi vẫn cố làm, cùng giữ nghề truyền thống cha ông", ông Trương Thanh Đức, người hiếm hoi còn làm guốc mộc ở làng Yên Xá, chia sẻ.

Việc tạo hình đế gỗ để hợp với bàn chân được làm theo kinh nghiệm của người thợ

Việc tạo hình đế gỗ để hợp với bàn chân được làm theo kinh nghiệm của người thợ

Làm guốc mộc, từ pha gỗ, đục đẽo, đánh nhẵn, đóng quai đều là làm thủ công, mà người thợ Yên Xá thì rất khéo tay. Trước đây, cả làng Yên Xá sống được nhờ nghề làm guốc. Những đôi guốc mộc Yên Xá có giá thành rẻ, độ bền cao, được bán đi khắp cả nước. Thời thế thay đổi, về sau guốc mộc không cạnh tranh được với các loại giày dép thời trang. Có thời gian, người làng Yên Xá đổ xô đi buôn đồng nát vì thu nhập cao hơn so với làm guốc mộc.

Ông Đức cùng người thợ phụ làm guốc mộc trong xưởng

Ông Đức cùng người thợ phụ làm guốc mộc trong xưởng

Gần đây, guốc mộc "sống lại". Với xu hướng sống "xanh", những sản phẩm thủ công làm từ vật liệu tự nhiên được nhiều người ưa chuộng. Giới trẻ tìm về với các trang phục cổ truyền, áo dài được yêu thích, kèm theo đó là phụ kiện phù hợp, đó là đôi guốc mộc. Giờ đây, guốc mộc được cải tiến về kiểu dáng đế, các loại quai đa sắc, hình vẽ sơn mài sinh động, trở thành một sản phẩm thời trang. "Tôi có nhiều đơn hàng hơn, làm không kịp. Guốc mộc sống lại khi nhu cầu thị trường tăng cao nhưng vẫn ít người làng muốn trở lại với nghề, bởi công việc vất vả, thu nhập không cao. Người thợ phụ trong xưởng của tôi cũng là thợ phụ hiếm hoi ở cái làng này", ông Đức cho biết.

Guốc mộc với phần đế cong được sử dụng trong triều đình Huế trước đây. Ông Đức cho biết, nhiều người Huế giờ đây vẫn tìm đến làng Yên Xá để đặt mẫu guốc này

Guốc mộc với phần đế cong được sử dụng trong triều đình Huế trước đây. Ông Đức cho biết, nhiều người Huế giờ đây vẫn tìm đến làng Yên Xá để đặt mẫu guốc này

Trong một xưởng nhỏ nhìn ra cánh đồng, 2 người thợ già cần mẫn, kì cạch với những đôi guốc gỗ thô mộc. Đế guốc được hoàn thành, người thợ đưa lên, cân chỉnh bằng mắt, đều tăm tắp. Vài nhát búa đóng đinh, đôi guốc mộc với phần quai được hình thành. Thời gian như đọng lại, cảm giác như được trở về với những ký ức xưa, tiếng đôi guốc mộc lạch cạch trên đường làng.

Đôi guốc mộc mang diện mạo mới

Xã Tân Triều đang xúc tiến thực hiện một phòng trưng bày tại làng Yên Xá làm điểm đến đến giới thiệu về guốc mộc. Đó là niềm vui của người thợ sau những trăn trở với nghề truyền thống đang bị mai một.

Quang Thái

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/guoc-moc-yen-xa-hoi-sinh-voi-dien-mao-moi-20240617161010845.htm