Cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số

Sáng 26/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn thảo luận góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trên cơ sở nghiên cứu dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn góp ý như sau:

* Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa: Dự thảo Luật quy định:“Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân nắm giữ và có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số rất ít người, sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy người kế cận”.

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, quy định này đặt ra mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện, chưa quy định cụ thể chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số, nói chung sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy người kế cận là như thế nào, chế độ có gì khác so với những đối tượng nghệ nhân khác hay không.

Việc quy định “nghệ nhân người dân tộc thiểu số rất ít người” được đặc biệt quan tâm là chưa đầy đủ và toàn diện, chưa tạo ra động lực và khuyến khích đối với các nghệ nhân người dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của đất nước, các giá trị văn hóa truyền thống bị tác động bởi những giá trị văn hóa mới, các nghệ nhân dân tộc thiểu số được coi là hạt nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc, là sợi dây níu giữ các yếu tố bản địa, đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng của dân tộc mình không bị hòa tan, là người kế tục các di sản, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa.

Trong khi đó, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, đó là giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản, do bị ảnh hưởng của các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành hay thậm chí chỉ để thưởng thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa do cha ông sáng tạo và trao truyền lại. Vì thế, thế hệ các nghệ nhân cao tuổi ngày một già yếu và mất đi mà chưa tìm được người kế cận, chưa kịp truyền thụ cho các học trò, đặc biệt là trao truyền các “ngón nghề”, bí quyết trong việc ứng tác. Do đó, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh đội ngũ nghệ nhân người dân tộc thiểu số nói chung một cách kịp thời, để họ phát huy mọi khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

* Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần phân định, xác định rõ đối tượng mà chính sách hướng tới là chỉ đối với nghệ nhân hay là với chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, vì dự thảo Luật có giải thích khái niệm “Chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân kế thừa, sở hữu, nắm giữ, thực hành, sáng tạo và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể theo cách phù hợp với nguyên tắc, bản chất tự nhiên và giá trị của di sản và cộng đồng”. Như vậy, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là rộng, không chỉ có nghệ nhân mà còn có cộng đồng, là nhóm người hoặc cá nhân khác kế thừa, sở hữu, nắm giữ, thực hành, sáng tạo và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu đảm bảo quy định được phù hợp, đầy đủ, mang tính toàn diện.

* Về chế độ trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết, dự thảo Luật mới chỉ quy định việc trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết đối với đối tượng là Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng.

Theo quy định tại khoản 17, khoản 18 Điều 3 dự thảo thì: Nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể là người thực hành, nắm giữ và trao truyền các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết ở trình độ cao và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa phi vật thể. Người thực hành là thành viên của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, tham gia tích cực vào thực hành, trao truyền, tái tạo di sản, góp phần để di sản được thực hành hoàn chỉnh, hình thành bản sắc văn hóa và vì lợi ích của cộng đồng chủ thể. Như vậy, không phải chỉ có Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng mới là người thực hành, nắm giữ, tham gia tích cực vào thực hành và trao truyền các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh đó, tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá: “Việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu, cụ thể là danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian,… Các danh hiệu này bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng và các chính sách cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu. Trước thực tế đó, cần tiếp tục ban hành chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nói chung”.

Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các nghệ nhân, người thực hành trao truyền, tái tạo di sản, thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng cho thế hệ kế cận, đặc biệt là các nghệ nhân, người thực hành tổ chức truyền dạy đối với di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Qua đó, vừa đảm bảo công bằng, vừa thể hiện sự quan tâm, ghi nhận, động viên của Nhà nước đối với các nghệ nhân, người thực hành trong việc duy trì, bảo vệ, lưu giữ, truyền dạy những giá trị văn hóa của dân tộc.

* Đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc trường hợp cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 29) mà có khả năng ảnh hưởng đến di tích, dự thảo luật quy định chủ đầu tư có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo hồ sơ di sản về văn hóa theo quy định của pháp luật tới UBND cấp huyện hoặc cơ quan chủ trì cấp phép theo quy định.

Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định liên quan trong dự thảo Luật có một số nội dung chưa phù hợp, như việc quy định khi xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm ngoài các khu vực nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc trường hợp cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật là chủ thể có trách nhiệm phải đánh giá khả năng ảnh hưởng đến di tích để thực hiện các thủ tục theo quy định của dự thảo luật.

Mặc dù, dự thảo luật không quy định chủ đầu tư phải đánh giá, khẳng định được công trình nhà ở có ảnh hưởng đến di tích hay không, do vậy trường hợp này là quy định khó khả thi và chưa thực sự hợp lý. Trên thực tế, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ là người dân sẽ khó có điều kiện, khả năng để đánh giá các yếu tố liên quan đến chuyên môn về di sản văn hóa theo quy định của dự thảo luật. Cùng với đó, các quy định của dự thảo luật đều giao nhiệm vụ, xác định khả năng ảnh hưởng đến di tích khi triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc trách nhiệm của các cơ quan QLNN cấp trung ương và cấp tỉnh là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu, cân nhắc kỹ nội dung này./.

Ái Vân

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/can-co-chinh-sach-dai-ngo-dac-biet-doi-voi-nghe-nhan-nguoi-dan-toc-thieu-so-post64219.html