Gìn giữ sen Bách Diệp hồ Tây nổi tiếng

Việc trồng sen tại các hồ trên địa bàn quận Tây Hồ triển khai đúng tiến độ, sen đang nở rất đẹp, tạo tiền đề cho Lễ hội sen Hà Nội lần 1 năm 2024 trên địa bàn...

Nhằm khôi phục, gìn giữ giống sen Bách Diệp hồ Tây nổi tiếng gắn với phát triển du lịch, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ triển khai đề án khôi phục, phát triển trồng sen Tây Hồ, trước mắt tại một số hồ nhỏ trên địa bàn. Đến nay, sen nở rộ, thơm ngát tạo khung cảnh đẹp, lãng mạn chào đón Lễ hội sen Hà Nội năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 12 đến 16-7.

Khách du lịch tham quan, chụp ảnh sen tại Hồ Tây. Ảnh: Hương Giang

Khách du lịch tham quan, chụp ảnh sen tại Hồ Tây. Ảnh: Hương Giang

Sen phát triển tốt, đang cho thu hoạch

Theo bà Bùi Thị Bảo Anh (phường Quảng An), một trong những hộ trồng sen tham gia đề án khôi phục, phát triển trồng cây sen tại một số hồ nhỏ khu vực hồ Tây, sau khi nhận được hỗ trợ cây giống sen, gia đình tiến hành trồng theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông tại hồ Đầu Đồng. Hiện, sen nở lan rộng mặt hồ, đang cho thu hoạch, mang lại thu nhập cao...

Sen Hồ Tây chuẩn bị vào mùa nở rộ. Ảnh: Hương Giang

Sen Hồ Tây chuẩn bị vào mùa nở rộ. Ảnh: Hương Giang

Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Trần Gia Hùng cho biết, hiện quanh hồ Tây có rất nhiều hồ nhỏ có thể trồng sen, diện tích khoảng 30ha. Đầu năm 2024, sau khi khảo sát, quận đã chọn hai hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ Trên (tổng diện tích 7,5ha) để thí điểm thực hiện đề án bảo tồn sen Bách Diệp.

Trong khuôn khổ đề án, quận phối hợp Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai từ giữa tháng 2 đến tháng 11. Đến nay, tại hồ Đầu Đồng diện tích 3,5ha, người dân đã trồng 10.000 cây, sen đang phát triển tốt...

Tại hồ Thủy Sứ Trên, nông dân trồng 10.000 cây, hoa nở chiếm 70% diện tích hồ và bắt đầu cho thu hoạch. “Nhìn chung, việc trồng sen tại các hồ trên địa bàn quận Tây Hồ triển khai đúng tiến độ, các hồ sen đang nở rất đẹp, tạo tiền đề cho Lễ hội sen Hà Nội lần 1 năm 2024 trên địa bàn, tiến tới thực hiện đề án trồng sen cho các năm tiếp theo”, ông Trần Gia Hùng cho biết thêm.

Sen Hồ Tây đang nở. Ảnh: Hương Giang

Sen Hồ Tây đang nở. Ảnh: Hương Giang

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, để lưu giữ, bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng tại hồ Tây, Trung tâm đã tổ chức ba đợt hỗ trợ quận Tây Hồ với tổng cộng 7.000 cây giống; hỗ trợ vật tư để hai hộ dân tham gia đề án trồng sen tại hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ Trên, mỗi hồ được cung cấp 3.500 cây giống.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội cùng quận Tây Hồ đã mời các chuyên gia từ Viện nghiên cứu rau quả Trung ương trực tiếp tập huấn, phổ biến kiến thức cho các hộ dân tham gia đề án về trồng và chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm từ sen.

Để sen sinh trưởng, phát triển tốt, cán bộ khuyến nông luôn đồng hành với các hộ dân, thường xuyên kiểm tra vùng trồng để ghi nhận sự phát triển của cây sen, từ đó kịp thời xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình trồng.

Thúc đẩy du lịch sinh thái

Hiện, sen ở các hồ: Đầu Đồng, Thủy Sứ Trên sinh trưởng, phát triển tốt. Dự án thành công sẽ đạt mục tiêu xây dựng mô hình mẫu trồng sen chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái, qua đó nhân rộng ra các hồ khác trên địa bàn quận Tây Hồ.

Tháng 6 này, người dân đổ xô về các hồ sen trên địa bàn quận để tham quan, thưởng thức sen và chụp ảnh. Bà Lê Thị Phương Thảo ở quận Hà Đông chia sẻ: “Mặc dù có rất nhiều nơi trồng sen, nhưng chỉ hoa sen ở hồ Tây nở đẹp. Các hộ trồng sen bố trí điểm chụp ảnh hợp lý nên cứ vào tầm tháng 6 tôi cùng bạn bè tới đây chụp ảnh lưu niệm đồng thời mua sen, trà sen về thưởng thức”.

Sen hồ Tây được nông dân thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Sen hồ Tây được nông dân thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Một trong những chuyên gia hỗ trợ, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả Trung ương Đặng Văn Đông cho biết, hiện có rất nhiều giống sen trên thế giới, nhưng sen Tây Hồ (đặc biệt là sen Bách Diệp) có đặc trưng cánh hoa kép, màu hồng thắm, hương thơm lâu, gạo sen to và căng mọng. Đây là loại sen đặc biệt, không nơi nào có được. Do đó, việc quận Tây Hồ khôi phục và phát triển trồng giống sen quý này thành công sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Quận Tây Hồ đang tích cực chuẩn bị tổ chức lễ hội hoa sen vào tháng 7 tới nhằm thúc đẩy du lịch sinh thái, thu hút du khách chiêm ngưỡng, thưởng thức đặc sản từ sen.

Những bông hoa sen hồ Tây ướp chè tạo sản phẩm chè sen hồ Tây nức tiếng. Ảnh: Hương Giang

Những bông hoa sen hồ Tây ướp chè tạo sản phẩm chè sen hồ Tây nức tiếng. Ảnh: Hương Giang

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đề án khôi phục, phát triển trồng cây sen tại một số hồ nhỏ khu vực hồ Tây nhằm duy trì, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất chè sen, đồng thời giữ vững, phát triển thương hiệu “Chè sen Quảng An” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền. Do đó, trồng sen tại các hồ nhỏ quanh khu vực Hồ Tây sẽ tạo tiền đề quan trọng để quận thúc đẩy phát triển du lịch.

“Thời gian tới, quận tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn khảo sát, lập hồ sơ cải tạo môi trường cho các hồ trên địa bàn, hoàn thiện đề án tổng thể phát triển trồng sen đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Việc này không chỉ cho hiệu quả về kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, tăng nét đẹp văn hóa cho Thủ đô", ông Tịnh cho biết thêm.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp quận Tây Hồ để nghiên cứu, đưa thêm nhiều giống sen mới về trồng thí điểm trên địa bàn. Những giống sen mới sẽ giúp gia tăng giá trị kinh tế cho người dân quận Tây Hồ nói riêng, địa phương khác nói chung và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gin-giu-sen-bach-diep-ho-tay-noi-tieng-670351.html