'Gương mặt mới' trong danh mục xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ
Một thương vụ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã đánh dấu lần đầu tiên ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia liên lục địa Á-Âu xuất khẩu phương tiện mặt nước không người lái (USV).
Naval News cho biết, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về an ninh nội địa và quốc phòng Milipol Qatar 2024 vừa qua, nhà sản xuất quốc phòng Meteksan Defence và hãng đóng tàu ARES của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một hợp đồng cung cấp USV ULAQ 11 cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Qatar. Hai bên từ chối tiết lộ giá trị và số lượng phương tiện trong thỏa thuận, song một quan chức Meteksan Defence cho biết USV này đã được thử nghiệm với sự chứng kiến của đại diện bên mua. Đáng chú ý, Qatar đã trở thành khách hàng đầu tiên của USV đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
“Hợp đồng sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn, gồm khóa đào tạo kéo dài 12 tháng và sau đó là bàn giao sản phẩm. Trong đó, giai đoạn đào tạo với sự hỗ trợ trực tiếp từ kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu ngay sau khi hai bên đặt bút ký”, Naval News dẫn lời Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Meteksan Defence Selcuk Alparslan chia sẻ.
Theo thông tin công khai từ nhà sản xuất, USV ULAQ 11 được phát triển để trở thành một khí tài đáng tin cậy trên biển. Tàu có thân vỏ bằng vật liệu composite, dài tổng thể 11m, rộng 2,76m, mức mớn nước 0,6m, tốc độ tối đa 35 hải lý (tương đương gần 65km/giờ), phạm vi hoạt động lên tới hơn 600km. Tàu trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa lắp súng máy 12,7mm, hệ thống radar và quang điện tử tiên tiến, hệ thống liên lạc kết nối vệ tinh được mã hóa, hệ thống điều khiển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trạm chỉ huy (có thể đặt trên đất liền hoặc trên tàu khác). Dải nhiệm vụ của phương tiện này cũng rất đa dạng, từ tuần tra, thu thập tin tức tình báo, giám sát và trinh sát để hỗ trợ bảo vệ cơ sở hạ tầng ven biển quan trọng, cho đến các hoạt động thực thi pháp luật, phản ứng nhanh, tìm kiếm-cứu nạn.
USV ULAQ 11 là sản phẩm trong chương trình phát triển phương tiện mặt nước không người lái vũ trang (AUSV) do Meteksan Defence và ARES triển khai từ năm 2018, đồng thời cũng là dự án đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trong phân khúc này. Nhờ có thiết kế module mà nền tảng AUSV có thể tích hợp được nhiều loại vũ khí khác nhau do doanh nghiệp nội địa sản xuất, bao gồm súng máy (như USV ULAQ 11), tên lửa tự hành tầm ngắn Crit, tên lửa chống tăng UMTAS, ngư lôi hạng nhẹ... tùy vào yêu cầu nhiệm vụ. Theo lãnh đạo Meteksan Defence, hãng sẽ tiếp tục đưa ra nhiều phiên bản với kích thước khác nhau để tiếp cận các thị trường mới.
Thỏa thuận xuất khẩu USV ULAQ 11 sang Qatar đã mở ra trang mới đối với mục tiêu của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phát triển lĩnh vực USV phục vụ nhu cầu trong nước và tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy quá trình đưa Ankara trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu mới nổi. Breaking News dẫn báo cáo từ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đang ghi nhận giá trị xuất khẩu vũ khí tăng nhanh, đơn cử như đạt 820 triệu USD vào tháng 10-2024, tăng tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất hiện từ thời kỳ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, song USV thực sự bùng nổ trong những năm gần đây nhờ những đổi mới công nghệ như vũ bão. Breaking News đánh giá, với việc USV được sử dụng trong một số cuộc xung đột vừa qua, nền tảng này đã chứng minh sẽ trở thành một phần thiết yếu trong hộp công cụ chiến đấu của các lực lượng trên biển trong tương lai. Theo hãng tư vấn Exactitude Consultancy, thị trường USV toàn cầu dự kiến có thể tăng trưởng với tốc độ kép hằng năm (CAGR) hơn 13% để đạt khoảng 2 tỷ USD vào năm 2029.