Gương sáng cựu chiến binh
Đến thôn Lộc Thuận (nay là thôn Thuận Hòa), xã Quang Trung (Ngọc Lặc) nhắc đến cựu chiến binh Phạm Vương Thư thì ai cũng biết đến, bởi bác luôn gương mẫu trong mọi phong trào, được mọi người tin yêu, quý trọng và là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Dù ở độ tuổi được nghỉ ngơi, nhưng bác Phạm Vương Thư vẫn lao động, làm giàu cho gia đình, xã hội: làm gương cho con cháu noi theo.
Sinh ra trong một gia đình hiếu học, có bố, anh cả và anh thứ 2 đều là giáo viên nên bố mẹ rất quan tâm đến việc học hành của bác. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp lớp 7 (nay là lớp 9 THCS) bác Thư có tên trong danh sách được gọi vào Trường Sư phạm 7+3 miền núi Thanh Hóa. Khi đang theo học tại trường, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bác lên đường nhập ngũ vào quân đội. Sau hơn 1 tháng huấn luyện thì được biên chế vào Trung đoàn bộ binh 52 thuộc Sư đoàn 320A hay còn gọi là Sư đoàn Đồng bằng, tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và sau đó là chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị. Đến tháng 9-1971, Sư đoàn 320A được điều vào chiến trường Tây Nguyên (B3). Do có nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 2-3-1972 bác vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức vụ tiểu đội trưởng. Gần 3 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường, tháng 8-1973 bác bị thương, mất sức chiến đấu, được đưa ra Bắc và trở lại Trường Sư phạm 10+3 miền núi tiếp tục học năm thứ 3.
Ra trường, bác được phân công về giảng dạy tại Trường Thúy Sơn (hiện là Trường THCS xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc), sau đó được cử đi học Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, được bổ nhiệm chức Phó hiệu trưởng Trường Thúy Sơn, được điều động về Phòng Giáo dục UBND huyện Ngọc Lặc, rồi chuyển công tác sang Phòng Văn hóa - Thể thao huyện với chức danh trưởng phòng. Sau gần 40 năm công tác, bác được nghỉ chế độ và sinh sống tại thôn Thuận Hòa cho đến nay.
Về với đời thường, bác Phạm Vương Thư vẫn giữ vững, phát huy những phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, được tín nhiệm bầu làm các chức danh: Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Thuận Hòa. Dù ở cương vị, lĩnh vực nào bác cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, là điển hình trong học tập và làm theo gương Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Bác trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền để người dân hiểu biết về pháp luật, từ đó tránh xa các tệ nạn xã hội, các tà đạo; phát giác, đấu tranh với mọi biểu hiện vi phạm pháp luật. Trong phát triển kinh tế, bác tích cực tuyên truyền để người dân đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... Nhờ đó, đời sống của người dân trong thôn ngày càng ổn định, phát triển.
Từ tháng 5-2020 đến nay, do tuổi cao, lại là thương binh với tỷ lệ thương tật 25%, sức khỏe hạn chế nên bác xin nghỉ công tác ở thôn. Suốt quá trình công tác xã hội, bác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 4 bằng khen và nhiều giấy khen cấp huyện và xã. Bác Thư chia sẻ: “Tuy không còn tham gia các chức danh, nhưng tôi vẫn phát huy vai trò tuổi cao gương sáng, tiếp tục đóng góp cho sự trong sạch, vững mạnh của chi bộ đảng và ban phát triển thôn. Cùng các con cháu tích cực phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình. Hiện gia đình tôi có tổng diện tích 12 ha đất đồi rừng, đất canh tác, trong đó tôi trồng 4 ha luồng, 2,2 ha cao su, 3 ha dứa gai, 1 ha sắn dây, 1 ha cây ăn quả, 0,8 ha đất làm nhà ở, ao hồ. Việc kết hợp giữa cây trồng và vật nuôi đã cho thu nhập mỗi năm khoảng 550 triệu đồng, giải quyết việc làm từ 5 đến 7 lao động với thu nhập mỗi tháng từ 4 triệu đồng trở lên. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, bản thân tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chung tay giúp đỡ bà con trong thôn phát triển kinh tế nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương”.
Ngoài thời gian lao động, bác tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục – thể thao của hội người cao tuổi; tích cực đóng góp quỹ hội, quỹ từ thiện; đóng góp tiền mặt, ngày công vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Mới đây bác vinh dự được hội người cao tuổi các cấp bầu là cá nhân và gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và được bầu đi dự hội nghị vinh danh người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp tỉnh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/guong-sang-cuu-chien-binh/190833.htm