Hà Đông thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy: Hóa giải áp lực thiếu trường, thiếu lớp
Một trong những dấu ấn nổi bật của quận Hà Đông thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về 'Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025' là lĩnh vực giáo dục. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quận đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, qua đó hóa giải áp lực thiếu trường, thiếu lớp kéo dài.
Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất
Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 08-CTr/TU, Quận ủy, UBND quận Hà Đông đã có kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực giáo dục. Bởi trong thời gian dài, cơ sở hạ tầng trường học trên địa bàn quận chưa bảo đảm kéo theo tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ, sĩ số học sinh/lớp cao, vượt quá quy định cho phép.
Để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quận ủy, HĐND, UBND quận đã xác định công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học. Từ đó, Quận ủy đã ban hành Đề án số 03-ĐA/QU ngày 9-11-2020 về “Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và hướng nghiệp dạy nghề quận Hà Đông giai đoạn 2020-2025”, xác định rõ chỉ tiêu xây dựng mới hệ thống trường lớp và tỷ lệ trường chuẩn quốc gia.
Theo đó, quận đã ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho hệ thống trường học. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2021-2024 đạt trên 615 tỷ đồng, bằng 50% tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản toàn quận, trong đó chú trọng bổ sung diện tích đất/học sinh theo quy định, đầu tư thêm phòng học bộ môn, hệ thống sân chơi bãi tập, trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại, đáp ứng quy định về trường đạt chuẩn quốc gia.
Từ năm 2022 đến nay, hàng loạt công trình trường, lớp đã được đầu tư khang trang với thiết bị dạy và học hiện đại... Theo Hiệu trưởng Trường THCS Biên Giang Hoàng Hồng Nam, giai đoạn 2022-2024, nhà trường được quận Hà Đông đầu tư xây nhà đa năng, nhà ăn và 2 dãy phòng học 12 lớp học và 7 phòng bộ môn. Bên cạnh đó, nhà trường còn được đầu tư hệ thống điều hòa cho tất cả lớp học, 84 máy chiếu và xây dựng 1 trạm biến áp...

Trường Tiểu học Kiến Hưng khang trang hơn sau khi được đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: MT
Nằm trong khu vực có tốc độ dân số tăng nhanh, việc được xây mới 9 phòng học cùng đầy đủ trang thiết bị dạy học với số tiền hơn 14 tỷ đồng đã giúp Trường Tiểu học Kiến Hưng (phường Kiến Hưng) giải quyết được tình trạng sĩ số học sinh/lớp quá đông. Đầu năm học 2024-2025, quận Hà Đông cũng đã có kế hoạch xây mới dãy phòng học A, nâng cấp, sửa chữa dãy nhà B, nhà đa năng, nhà ăn...

Trường Tiểu học Kim Đồng. Ảnh: MT
Tương tự, năm 2022, Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Dương Nội) được đầu tư xây mới 2 đơn nguyên với 28 phòng học, được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại; các phòng bộ môn được trang bị máy tính, máy chiếu, bảng tương tác...
“Bằng việc triển khai các chương trình của Thành ủy, Quận ủy, Trường Tiểu học Kim Đồng đã được đầu tư khang trang, tạo môi trường sư phạm chuyên nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng Đinh Thị Thảo cho biết.
Lồng ghép chương trình tạo kết quả bền vững
Quá trình triển khai Chương trình số 08-CTr/TU, Quận ủy Hà Đông đã vận dụng sáng tạo các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình; phối hợp thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc các chương trình công tác khác có liên quan đến phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Quận ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp triển khai Chương trình 08-CTr/TU lồng ghép với nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình số 06-CTr/QU ngày 9-11-2020 của Quận ủy Hà Đông về “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn quận Hà Đông giai đoạn 2020-2025”, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hà Đông Nguyễn Tiến Quyết, giải pháp giảm nghèo của quận được thực hiện đồng bộ, trong đó dành sự quan tâm thỏa đáng đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bằng nhiều giải pháp, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ máy tính cho 45 học sinh thuộc hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 382 triệu đồng.
Bên cạnh đó, quận còn kêu gọi nguồn xã hội hóa, trao học bổng cho 53 trẻ em là con hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, con người khuyết tật, mức hỗ trợ 350.000 đồng/tháng và bảo đảm tài trợ đến hết lớp 12...
Trong 3 năm 2021-2023, toàn quận có 341 lượt trẻ em được hỗ trợ kinh phí học tập với tổng số tiền hơn 278 triệu đồng; năm 2024, có 52 học sinh thuộc gia đình hộ cận nghèo sau khi thoát cận nghèo được hỗ trợ 3 triệu đồng/năm với tổng số tiền 156 triệu đồng.
Với ý nghĩa thiết thực, việc thực hiện các chương trình của Thành ủy, Quận ủy đã được các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn quận tích cực hưởng ứng. Trong đó, trao tặng 153 suất học bổng trị giá 72 triệu đồng; 27 sổ tiết kiệm với tổng giá trị 108 triệu đồng; nhận đỡ đầu 29 trẻ mồ côi và trẻ em đặc biệt với mức kinh phí hỗ trợ 500.000 đồng/tháng; mô hình "Nuôi ước mơ cho con đến trường" được xây dựng với kinh phí 717,5 triệu đồng từ nguồn công đoàn và xã hội hóa...
“Bằng giải pháp quyết liệt và lồng ghép hiệu quả giữa các chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tính đến cuối năm 2024, toàn quận có 79/98 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 80,6%; dự kiến năm 2025 có 83/98 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 84,6%, tăng 15 trường và tăng 13,8% so với đầu nhiệm kỳ.
Những kết quả trên đã tạo nền tảng vững chắc để chất lượng giáo dục quận giữ vững vị trí tốp đầu thành phố”, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường khẳng định.