Hà Giang: Chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông ở vùng đồng bào DTTS
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện hạ tầng viễn thông nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số toàn diện vùng dân tộc thiểu số.
Hà Giang là tỉnh miền núi có điều kiện địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt nên việc đầu tư hạ tầng viễn thông đến các thôn vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 đề ra đến năm 2025: Phủ sóng di động đến 100% thôn, bản; 75% hộ dân có đường truyền internet; 85% người dân có điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ người dân tham gia các nền tảng số.
Triển khai tiểu dự án 2 của Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện hạ tầng viễn thông nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số toàn diện.
Giai đoạn trước, tỉnh Hà Giang tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện địa hình khó khăn, dân cư sống rải rác nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông tại các thôn, xã vùng cao gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
Để gỡ “nút thắt” về hạ tầng viễn thông vùng cao, tỉnh Hà Giang đã chủ động làm việc, hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông lớn như VNPT, Viettel, Tập đoàn FPT để huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng viễn thông cho vùng cao.
Với sự nỗ lực của tỉnh, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông và sự quan tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn đã có cáp quang, sóng di động 4G, đường truyền dữ liệu chuyên dùng đến trung tâm. Toàn tỉnh có 2.833 trạm thu phát sóng (BTS), cụ thể có: 734 trạm 2G; 1.010 trạm 3G; 1.086 trạm 4G; 3 trạm 5G. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã mở rộng vùng phủ sóng di động đến 118 thôn vùng cao chưa có sóng di động.
Những nỗ lực trong việc hoàn thiện hạ tầng viễn thông của tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sâu rộng, thực chất.
Nhận thức của nhân dân về lợi ích, tính cấp thiết của chuyển đổi số được nâng lên, nhiều hoạt động thường ngày đã chuyển vào môi trường số, kể cả ở các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, từng bước bắt kịp xu thế phát triển chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh.
Từ việc chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng đã làm thay đổi căn bản phương thức sống, làm việc, sản xuất, phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thôn Nặm Đăm, huyện Quản Bạ có đông đồng bào Dao sinh sống. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh, thôn được đầu tư, phát triển hạ tầng để xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Trong đó hạ tầng viễn thông là một trong những ưu tiên hàng đầu. Mạng internet phủ sóng rộng khắp trong thôn, bà con đã bắt kịp xu hướng, quảng bá du lịch và nhận đặt dịch vụ cho khách trên các nền tảng mạng xã hội. Đến nay, du khách đến với Nặm Đăm ngày càng đông, đời sống, thu nhập của đồng bào nơi đây tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, tỉnh Hà Giang còn chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi như: Thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai chợ 4.0; đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia; đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao lên sàn thương mại điện tử; các ứng dụng thông minh phục vụ phát triển du lịch.