Hà Giang: Nhiều rào cản khiến phụ nữ Tân Nam khó thoát nghèo

Dù được thụ hưởng nhiều chính sách giảm nghèo từ Trung ương đến địa phương nhưng với phụ nữ xã vùng cao Tân Nam (Quang Bình, Hà Giang), hành trình tiếp cận vẫn nhiều rào cản - từ ngôn ngữ, trình độ dân trí, địa hình cho đến phong tục tập quán…

 Xã Tân Nam có 10 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm 52,1%

Xã Tân Nam có 10 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm 52,1%

Từ trung tâm huyện Quang Bình (Hà Giang) ngược dốc gần 20km đường núi quanh co là đến xã Tân Nam - một xã vùng III với địa hình phức tạp, nơi sinh sống của 10 dân tộc thiểu số. Trong đó dân tộc Tày chiếm 52,1%, còn lại là các dân tộc khác như: Dao, Pà Thẻn, Mông, La Chí, Phù Lá, Nùng, Kinh, Cao Lan, Thái.

Nơi đây, câu chuyện giảm nghèo không đơn thuần chỉ là bài toán thu nhập, mà là hành trình vượt qua muôn vàn rào cản để phụ nữ vùng cao có thể tiếp cận và thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước.

Chị Nông Thị Viết (trái) - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Nam - hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

Chị Nông Thị Viết (trái) - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Nam - hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

Theo chia sẻ của chị Nông Thị Viết, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Nam, kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao 57,82%, hộ cận nghèo chiếm 26,7%, hộ không nghèo chiếm tỷ lệ 15,48%.

Địa hình xã Tân Nam tương đối phức tạp, độ dốc lớn, có nhiều khe suối nhỏ chia cắt khiến đường đi lại khó khăn. Chị Nông Thị Viết cho biết, toàn xã có 12 thôn bản, phần lớn các thôn cách xa trung tâm hành chính. Đơn cử như thôn Nâm Ngoa, nơi nhiều hội viên phải đi bộ 5km đường dốc mới đến được điểm sinh hoạt.

"Nhiều chị em không biết đi xe, một số không biết tiếng phổ thông nên nhiều lúc triển khai các chương trình, tuyên truyền chính sáchhỗ trợ giảm nghèo nhưng hội viên không hiểu rõ nên bất cập trong triển khai nhiệm vụ", chị Nông Thị Viết chia sẻ.

Hội LHPN xã Tân Nam triển khai các chính sách giảm nghèo cho hội viên phụ nữ

Hội LHPN xã Tân Nam triển khai các chính sách giảm nghèo cho hội viên phụ nữ

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Nam, các chính sách giảm nghèo được xã tập trung chỉ đạo, bố trí kinh phí để thực hiện hàng năm như: Chính sách hỗ trợ giáo dục, chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tê cho hộ nghèo và người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông - khuyến lâm; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế xã hội vừng đồng bào dân tộc thiểu số theo đề án 88 của thủ tướng chính phủ. Chương trình Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về cải tạo vườn tạp.

"Mặc dù Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách giảm nghèo như trên nhưng việc tiếp cận thông tin và thực hiện các thủ tục để hưởng chính sách của phụ nữ xã Tân Nam còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân nằm ở ngôn ngữ và trình độ dân trí. Không ít chị em không hiểu rõ tiếng phổ thông, nghe cán bộ triển khai mà không hiểu, không nắm được quyền lợi hay cách thực hiện. Hội viên biết cách làm thủ tục hành chính chỉ khoảng 50%", chị Viết thẳng thắn nhìn nhận.

Hiện hộ nghèo ở xã Tân Nam chiếm tỷ lệ 57,82%

Hiện hộ nghèo ở xã Tân Nam chiếm tỷ lệ 57,82%

Không dừng lại ở việc chỉ ra khó khăn, Hội LHPN xã Tân Nam đã chủ động vào cuộc bằng các mô hình thiết thực. Chị Nông Thị Viết cho biết, Hội LHPN xã Tân Nam đã triến khai dự án AWEEV - dự án "Nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam" tại các thôn và thành lập nhóm tương trợ vốn giúp hội viên có kinh phí thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, nhiều chị em đã mạnh dạn buôn bán kinh doanh, mở các xưởng chè mini, xưởng gạch tạo việc cho nhiều chị hội phụ nữ trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn thành lập 23 nhóm sở thích trong 12/12 thôn bản - từ trồng thảo quả, lá giang, chè đến nuôi trâu, dê, lợn đen, đã giúp 294 hội viên mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế.

Hội LHPN xã Tân Nam thành lập 23 nhóm sở thích trong 12 thôn bản, giúp 294 hội viên mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế

Hội LHPN xã Tân Nam thành lập 23 nhóm sở thích trong 12 thôn bản, giúp 294 hội viên mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế

Từ thực tế địa phương, để giúp chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa tiếp cận tốt hơn với chính sách giảm nghèo, theo chị Nông Thị Viết, cần đổi mới cách thức tổ chức các buổi truyền thông nhỏ, theo nhóm đối tượng cụ thể; tăng cường sử dụng hình thức dễ hiểu như kịch ngắn, tiểu phẩm, phim tài liệu địa phương; Truyền thông bằng tiếng dân tộc tại các xã có đồng bào thiểu số; Tuyển chọn, đào tạo chị em có uy tín, nói được tiếng dân tộc, để lan tỏa thông tin đến từng thôn bản; Phát huy tinh thần "phụ nữ giúp phụ nữ", ai biết chia sẻ cho người chưa biết; Tăng cường hơn nữa việc mở các lớp tập huấn "kỹ năng số cơ bản" cho hội viên; Kêu gọi hỗ trợ điện thoại thông minh, điểm truy cập Internet miễn phí cho phụ nữ nghèo.

"Nhìn chung, giảm nghèo thông tin cho phụ nữ không chỉ là cung cấp thêm kiến thức, mà là giúp họ tự tin tiếp cận, hiểu và áp dụng thông tin vào cuộc sống, từ đó nâng cao vị thế, tăng thu nhập, bảo vệ quyền lợi của bản thân và gia đình", chị Nông Thị Viết nhấn mạnh.

N.Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ha-giang-nhieu-rao-can-khien-phu-nu-tan-nam-kho-thoat-ngheo-20250426164733803.htm