Hà Giang phát huy hiệu quả mô hình trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã thành lập các trường PTDTNT THCS và THPT tại các huyện, góp phần đảm bảo công tác giáo dục cho học sinh DTTS.
Tạo cơ hội học tập cho học sinh DTTS
Để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong đó có Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” hiệu quả, thiết thực, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia thực hiện, tỉnh Hà Giang đã đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú.
Là đơn vị được giao chủ trì thực hiện, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các địa phương nhằm thực hiện chủ trương thành lập mới các Trường PTDTNT THCS và THPT, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào DTTS theo học cấp THPT.
Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang chia sẻ: Việc thành lập các trường PTDTNT THPT đã phát huy được hiệu quả trong việc huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký quyết định phê duyệt Đề án thành lập các Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT tại 4 huyện Đồng Văn, Bắc Mê, Hoàng Su Phì và Xín Mần.
Năm 2022, tiếp tục phê duyệt Đề án thành lập các Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT tại huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Quang Bình và Vị Xuyên.
Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng toàn diện các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh; thực hiện cơ chế tuyển sinh vào học ở các trường PTDTNT theo hướng mở rộng đối tượng, địa bàn tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh…
Phát huy tối đa vai trò của các trường PTDNT
Các trường PTDTNT THCS và THPT được thành lập trên cơ sở các trường PTDTNT THCS và là đơn vị sự nghiệp công lập của hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý và chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng.
Theo lãnh đạo Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bắc Mê trường: Việc thành lập trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc định cư lâu dài tại huyện được đi học cấp THPT. Đồng thời, tạo nguồn nhân lực có chất lượng ngay tại địa phương và cho tỉnh. Hiện, nhà trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đồng bộ, đủ điều kiện phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập cũng như sinh hoạt của học sinh nội trú.
Tại trường PTDTNT THCS và THPT huyện Đồng Văn, nhà trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đồng bộ với khu nhà hiệu bộ, nhà đa năng, khu nhà bếp, khu lưu trú cho học sinh, phòng tin,… khuôn viên sân trường xanh, sạch, đẹp.
Cô Mua Thị Hồng Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi được thành lập cho đến nay, số lượng học sinh và cán bộ giáo viên, cũng như chất lượng dạy và học của trường không ngừng được nâng lên. Cụ thể trong năm học 2023 – 2024, nhà trường có 15 lớp với 472 học sinh từ bậc THCS đến THPT, trong đó có 9 lớp bậc THCS và 06 lớp bậc THPT.
Hiện, trường có 49 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng của thầy và trò nhà trường, chất lượng dạy và học của trường vẫn đạt những con số rất ấn tượng: số học sinh lên lớp đều đạt tỷ lệ cao, nhiều em đạt các giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh,… Nhiều năm liền, nhà trường đạt tập thể lao động tiên tiến, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh.
Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang thông tin, nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của ngành Giáo dục, sự phối hợp của chính quyền địa phương và những chính sách phù hợp, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú THPT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy vai trò tích cực, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi học tập, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.