Hạ lãi suất nhằm kích cầu tăng trưởng
Lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng khá trong 2 tháng trở lại đây: Từ 2,74% tính đến cuối tháng 6 lên 5,25% tính đến cuối tháng 8 (cao hơn toàn ngành 0,44%). Tuy so với các năm trước đó, mức tăng trưởng này được cho là thấp nhất, nhưng kết quả này vẫn được đánh giá là khả quan trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh: Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, từ ngày 13-5 đến nay, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất: Giảm 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm 0,3-0,5%/năm trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bởi vậy, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng chỉ còn 0,2%/năm; kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm và từ 6 tháng trở lên là 4,5-7,3%/năm. Về lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện cũng chỉ là 5%/năm; còn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6-9%/năm kỳ ngắn hạn; từ 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Có thể thấy, hiện lãi suất huy động và lãi suất cho vay so với hồi đầu năm nay đều giảm đáng kể, trung bình khoảng 1,5-2%/năm. Tuy nhiên, biên độ chênh lệch cả ở kênh huy động vốn và cho vay giữa NH có mức thấp nhất với NH có mức cao nhất ở cùng kỳ hạn hiện vẫn khá lớn, lên tới trên dưới 3%/năm. Thực tế tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, nhóm các NH có mức lãi suất cả huy động và cho vay thấp thuộc về các NH TMCP nhà nước (gồm: BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank). Còn nhóm huy động và cho vay cao thuộc về các NH TMCP đại chúng.
Bà Nguyễn Thu Ngọc, phụ trách bộ phận huy động vốn một NH TMCP đại chúng trên địa bàn tỉnh cho biết: Chỉ tính riêng trong tháng 9, NH này đã 4 lần giảm lãi suất tiền gửi. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay thì có tổng cộng hơn 10 lần. Tuy nhiên, ở mỗi lần điều chỉnh, NH này chỉ giảm ở một số kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn dưới 6 tháng có mức giảm mạnh nhất, từ 5,5%/năm (tháng 9-2019) xuống còn 3,7%/năm (hiện nay, mặc dù trần tối đa được NHNN cho phép là 4,25%/năm). Còn lãi suất trên 6 tháng hiện thấp hơn khoảng 1,2%/năm so với cùng kỳ (khoảng 6%/năm). Đây chính là cơ sở để các NH hạ lãi suất cho vay. Vì hiện lãi suất cho vay đang được các NH TMCP đại chúng áp dụng công thức tính chung là: Lãi suất cơ sở (lãi suất huy động của kỳ hạn tương ứng) cộng với biên độ từ 3,9-4,5%/năm (tùy NH) và lãi suất này sẽ được thả nổi. Nghĩa là nếu lãi suất huy động giảm thì lãi suất khoản vay sẽ được giảm và ngược lại.
Mặc dù về tổng quan dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng 5,25%, tuy nhiên, trong số 34 TCTD đang hoạt động thì có tới 1/3 đơn vị có mức tăng trưởng âm so với cuối năm 2019. Ngược lại, có NH vẫn tăng tới hàng nghìn tỷ đồng, đạt xấp xỉ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo, nhiều khả năng, kế hoạch tăng trưởng tín dụng toàn ngành nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 8-9%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 12% và từ nay đến cuối năm, nhiều NH sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay để giúp nền kinh tế dần phục hồi.
Ngành NH hiện rất dư thừa vốn. Ngay tại địa bàn tỉnh, trong khi nguồn vốn huy động lũy kế đến hết tháng 8 đạt trên 72,7 nghìn tỷ đồng, thì dư nợ chỉ là 60,15 nghìn tỷ đồng. Tính riêng 8 tháng qua, huy động được 7,27 nghìn tỷ đồng, còn cho vay ra là 3 nghìn tỷ đồng.