Hà Nam: chuyển đổi số trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
Việc triển khai và đẩy mạnh chuyển đổi số về công nghệ trong quản lý đô thị đã trở thành một phần không thể thiếu trong công tác quản lý giao thông đô thị tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, trong đó có Hà Nam.
Việc chuyển đổi số về công nghệ trong quản lý đô thị không chỉ giúp giám sát và xử lý vi phạm giao thông một cách hiệu quả mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân trong việc xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Thời gian qua, TP Phủ Lý đã tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ trong việc quản lý đô thị, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố đã quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đầu tư hạ tầng công nghệ, nhằm chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động và điều hành, trong đó tập trung ở các phòng, ban, UBND các phường, xã.
Về lĩnh vực quản lý đô thị, TP Phủ Lý đã triển khai lắp đặt hơn 70 camera an ninh, camera giao thông tại các ngã ba, ngã tư có mật độ giao thông lớn, các tuyến đường cần có sự giám sát về an ninh trật tự, đã giúp thực hiện hiệu quả việc quản lý trật tự an toàn giao thông trên một số tuyến đường chính trong nội thành như: đường Lê Duẩn, đường Biên Hòa và một số tuyến đường khác trong thành phố.
Hiện nay đã có 100% cán bộ, công chức, viên chức ở cấp phường, xã, thành phố đã sử dụng thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, máy tính; lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các phường, xã thực hiện ký số văn bản trên môi trường điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy.
Hiện tại, toàn thành phố có khoảng 3.575 chữ ký số cá nhân được cấp miễn phí cho người dân để thực hiện ký số các dịch vụ công thiết yếu; 85,97% số đảng viên đăng ký tài khoản Sổ tay Đảng viên.
TP Phủ Lý tiếp tục tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp đô thị hiện có theo hướng đồng bộ và tiến tới cơ bản hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng; phấn đấu 100% tuyến đường trục chính áp dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong hệ thống đèn chiếu sáng công cộng.
Với công tác quản lý trật tự an toàn giao thông, thành phố sẽ từng bước thay thế, lắp đặt các cụm đèn báo tín hiệu giao thông cảm ứng thông minh, trong đó hệ thống đèn tín hiệu hoạt động dựa trên mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường, bảo đảm điều chỉnh cho phù hợp, chống được ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Với các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, công tác chuyển đổi số cũng đem lại hiệu quả rõ rệt.
Thực hiện Đề án 06 tại TP Phủ Lý đã có 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử được thực hiện; hoàn thành phủ kín 100% CCCD gắn chip cho công dân và đến cuối tháng 9/2024, toàn thành phố đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 93,55% công dân.
Tính đến ngày 2/10, thành phố đã có 9.352/9.416 người hưởng chế độ an sinh xã hội trên địa bàn mở tài khoản (đạt 99,32%); 12.095/12.695 trường hợp phối hợp thực hiện trả lương hưu qua tài khoản (đạt 95,1%); 100% các trường học trên địa bàn thực hiện hiệu quả việc không dùng tiền mặt.
Chủ tịch UBND TP Phủ Lý Đỗ Hoàng Hải cho biết, xây dựng đô thị thông minh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cuộc sống ở đô thị, cải thiện sự tương tác giữa chính quyền thành phố, doanh nghiệp và người dân. Xây dựng thành phố thông minh phải tính đến phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, quản lý đất đai, hệ thống điện, nước, công tác vệ sinh môi trường, văn hóa, xã hội, thủ tục hành chính công, y tế, giáo dục, trật tự an toàn giao thông, hệ thống chiếu sáng đô thị. Trên cơ sở đó, thành phố quan tâm xây dựng chính quyền đô thị có đủ năng lực, khả năng quản lý toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực chuyên môn phù hợp với tình hình mới.
Chính quyền các cấp trên địa bàn thường xuyên đổi mới phương pháp quản lý, điều hành, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng, quản lý đô thị có hiệu quả.
Thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng tổ dân phố, đơn vị, cơ quan, gia đình văn hóa, xây dựng người thành phố văn minh, thanh lịch.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-nam-chuyen-doi-so-trong-xay-dung-do-thi-van-minh-hien-dai.html