Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình: Cực tăng trưởng du lịch mới đầy triển vọng

Việc sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình thành một đơn vị hành chính không chỉ cộng hưởng về tài nguyên, mà còn có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp về cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư và chiến lược quảng bá. Từ đó mở ra những triển vọng về cực tăng trưởng du lịch mới trong tương lai.

Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức khảo sát một số sản phẩm du lịch văn hóa-tâm linh, thắng cảnh đặc sắc ở tỉnh Nam Định. Ảnh: MIinh Đường

Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức khảo sát một số sản phẩm du lịch văn hóa-tâm linh, thắng cảnh đặc sắc ở tỉnh Nam Định. Ảnh: MIinh Đường

Nhân lên sức mạnh từ liên kết

Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình từ lâu đã được biết đến là những địa phương có nhiều lợi thế về du lịch, với các di sản văn hóa lịch sử, danh thắng thiên nhiên, lễ hội truyền thống và sản phẩm du lịch đặc sắc. Theo thống kê, hiện 3 tỉnh sở hữu số lượng di tích lớn với trên 5.000 di tích các loại, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 265 di tích cấp quốc gia, 784 di tích cấp tỉnh, hàng chục bảo vật, nhóm bảo vật quốc gia.

Ngoài ra, ba địa phương cũng sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể với hàng trăm lễ hội truyền thống đặc sắc, nghề thủ công, nghệ thuật truyền thống dân gian độc đáo với 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nơi đây có di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Ba địa phương cũng có “dòng chảy” văn hóa tâm linh, tín ngưỡng đa màu sắc với hàng trăm nhà thờ Công giáo đa dạng về quy mô, độc đáo về nghệ thuật kiến trúc như Nhà thờ đá Phát Diệm, Nhà thờ lớn Nam Định, Nhà thờ giáo xứ Thịnh Long,… Nơi đây cũng sở hữu hệ động thực vật đa dạng, phong phú như Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Xuân Thủy. Nam Định và Ninh Bình còn có tiềm năng phát triển kinh tế biển như khai thác thủy hải sản, du lịch biển; cùng nền ẩm thực đa dạng với những đặc sản như phở bò, cá kho, chuối ngự, thịt dê, cơm cháy, hải sản,…

Theo đánh giá của ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình hợp nhất không chỉ phù hợp với xu thế thời đại và yêu cầu phát triển tất yếu của đất nước mà còn mở ra dư địa, tiềm năng, cơ hội rất lớn để phát triển du lịch bền vững. Ba tỉnh không chỉ có vị trí địa lý liền kề, thuận lợi, sát Thủ đô Hà Nội với hệ thống hạ tầng, giao thông đồng bộ mà còn có bề dày văn hóa, lịch sử, thiên nhiên độc đáo.

“Bốn điểm mạnh nhất mà tôi tin sẽ tạo động lực để du lịch ba tỉnh phát triển bứt phá gồm: Sản phẩm du lịch phong phú khi Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình có thể kết hợp du lịch sinh thái, tâm linh, biển đảo, nông nghiệp và làng nghề trong cùng một hành trình. Thứ hai, hạ tầng giao thông kết nối tốt gồm các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường thủy sông Đáy tạo thuận lợi cho liên kết vùng. Thứ ba là với truyền thống hiếu học, ba tỉnh có thể nhanh chóng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhà hàng chất lượng cao tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho lĩnh vực du lịch. Thứ tư là sự ủng hộ và sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, Nhân dân ba tỉnh sẽ tạo sức mạnh to lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển toàn diện”-ông Hà Văn Siêu nhận định.

Là một trong những Tập đoàn lâu đời trong lĩnh vực du lịch, nhất là đầu tư phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, CEO Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển du lịch của 3 tỉnh trong thời gian tới. Ông Hoan đánh giá: “Nhìn một cách tổng thể có thể thấy tiềm năng du lịch ba tỉnh rất phong phú, dồi dào song đang khá “thiếu vắng” những tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Vì vậy, khi sáp nhập lại thành một sẽ tạo ra những dư địa và sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong nước, thậm chí là quốc tế để tạo nên những sản phẩm đẳng cấp, có tính liên kết, hấp dẫn cao.”

Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cũng tin tưởng, với những thành công của dự án mà Tập đoàn đang triển khai tại tỉnh Hà Nam, sẽ là động lực để đơn vị tiếp tục nghiên cứu phát triển các dự án, sản phẩm du lịch tại Ninh Bình, Nam Định trong thời gian tới. Từ đó tạo nên quần thể sản phẩm du lịch cao cấp, đồng bộ, thúc đẩy thương mại, dịch vụ, du lịch địa phương phát triển.

Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho rằng: Sáp nhập ba tỉnh sẽ giúp chúng ta tạo ra sản phẩm du lịch liên hoàn, gia tăng thời gian lưu trú, nâng cao chi tiêu của du khách. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi xin giấy phép, làm thủ tục riêng ở từng tỉnh. Khi liên kết và có chính sách đồng bộ sẽ giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh tour tuyến.

Vượt qua thách thức, đón vận hội mới

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam đang cần những cú hích mới hậu đại dịch, việc liên kết tiến tới hợp nhất du lịch Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình là hướng đi tất yếu và đầy triển vọng. Nếu biết tận dụng tốt thế mạnh, vượt qua thách thức, vùng du lịch mới này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực đồng bằng Sông Hồng, mà còn nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho biết, việc sáp nhập sẽ mở rộng nguồn tài nguyên thúc đẩy du lịch, công nghiệp văn hóa phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với đơn vị hành chính mới cần được chúng ta nhận diện sớm và giải quyết. Ví dụ như cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, sự phát triển thiếu cân bằng giữa các điểm đến thay vì hợp lực phát triển chung, nguy cơ áp lực lên môi trường và bảo tồn di sản, hay thiếu nguồn nhân lực, dịch vụ chất lượng cao,…

Để hóa giải những thách thức này, trong thời gian tới, ngành Du lịch các địa phương cần đánh giá lại tài nguyên di sản trên toàn bộ hệ thống để từ đó có chiến lược quy hoạch dài hạn, trung hạn đồng bộ, phù hợp, hiệu quả. Giải pháp thứ hai là cần lựa chọn những điểm nhấn chính để tạo không gian mới, sản phẩm du lịch mới vừa mang tính chất chuyên đề vừa mang tính chất tổng hợp mà vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa, di sản, môi trường. Ngoài ra, cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch đồng bộ. Song song với đó là nâng cao năng lực, trình độ quản lý, khả năng khai thác các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của từng địa phương để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, nhất là khách quốc tế. Có thể thấy rằng, khi thực hiện sáp nhập, tiềm năng lớn nhất của ba tỉnh đó là phát triển trục du lịch văn hóa tâm linh.

Bà Trần Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao Nam Định cho rằng, di sản văn hóa tâm linh sẽ giúp khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác cùng phát triển bền vững. Trong thời gian tới, có thể xây dựng các tour tuyến khép kín như Tam Chúc-Bái Đính-Phủ Dầy, Hành trình về cội nguồn văn hóa thời Trần, Khám phá kiến trúc nhà thờ Công giáo... Khi đó, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm liên tục, thuận tiện mà không bị gián đoạn bởi địa giới hành chính như trước đây.

Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình-mỗi miền quê một vẻ đẹp, nhưng đều mang nét văn hóa Bắc Bộ sâu đậm, cùng hệ sinh thái thiên nhiên, lễ hội, làng nghề phong phú. Việc kết nối ba địa phương sẽ tạo nên một bức tranh du lịch hấp dẫn từ khám phá di sản, trải nghiệm tâm linh, hòa mình vào thiên nhiên cho tới tìm hiểu lịch sử, văn hóa và thưởng thức ẩm thực độc đáo ở vùng Nam đồng bằng Sông Hồng. Tin rằng, khi ba dòng chảy văn hóa, thiên nhiên và con người tái hợp, một sức mạnh mới sẽ nhân lên để đưa du lịch cất cánh, vươn xa.

Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ha-nam-nam-dinh-ninh-binh-cuc-tang-truong-du-lich-moi-day-807676.htm