Hà Nam: Từ công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh
Là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XXI, nút giao Phú Thứ đang được chủ đầu tư đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo công trình hoàn thiện vào tháng 8/2025. Liên thông với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cùng với dự án đường Vành đai 5 tới đây, dự án trở thành chuỗi giao thông cộng hưởng, tạo động lực bứt phá mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế giữa Hà Nam với các tỉnh khác trong khu vực.
Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Hà Nam đã có sự bứt phá, phát triển vượt bật về kinh tế - xã hội cũng như hạ tầng giao thông. Từ một tỉnh thuần nông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, Hà Nam bứt tốc với tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng trong 6 tháng đầu năm 2024. Báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá SS 2010) ước đạt 26.891 tỷ đồng tăng 10,35% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,5% kế hoạch năm. Hà Nam là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ tư cả nước.
Kể từ khi xây dựng quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2023, Hà Nam đặt sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông. Với mục tiêu xác định xây dựng Hà Nam trở thành đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của vùng Đồng bằng sông Hồng. Hà Nam đặt quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050.
Để tạo đà cho những mục tiêu quan trọng này, Hà Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Theo ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Hà Nam sẽ có 4 tuyến cao tốc gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông (tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình), cao tốc Phủ Lý - Nam Định, cao tốc Hưng Yên - Thái Bình và đường Vành đai 5 vùng Thủ đô. Đặc biệt, tuyến Vành đai 5 với 6 làn xe cao tốc, đoạn đi qua địa phận Hà Nam có chiều dài 36km sẽ góp phần thúc đẩy giao thương mạnh mẽ.
Ông Phạm Quang Hưng cũng cho biết: Năm 2023, HĐND tỉnh Hà Nam đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), đoạn từ nút giao kết nối với Quốc lộ 21B (phía bờ hữu sông Nhuệ) đến nút giao với đường Lê Công Thanh - giai đoạn 3 (đường 68m) và một bên đoạn từ nút giao Phú Thứ đến nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.
Theo đó, hình thành trục động lực Đông - Tây của tỉnh, kết nối liên thông hạ tầng khung hành lang dọc hai bên tuyến đường và các vùng lân cận thông qua hệ thống giao thông địa phương. Việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường trên sẽ góp phần từng bước hình thành tuyến đường song hành Vành đai 5, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về phạm vi đầu tư, xây dựng tuyến đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), điểm đầu kết nối vào Quốc lộ 21B (phía bờ Hữu sông Nhuệ), điểm cuối tại nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (không bao gồm đoạn từ nút giao đường Lê Công Thanh giai đoạn 3 đến nút giao Phú Thứ được đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý).
Về quy mô, đầu tư xây dựng tuyến đường với chiều dài khoảng 8,43km theo quy mô đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, có quy mô mặt cắt mỗi bên đường song hành. Trong đó: Đoạn 1: Từ nút giao với Quốc lộ 21B phía bờ hữu sông Nhuệ đến nút giao với đường trục xã Tiên Tân (đường Lê Công Thanh kéo dài), chiều dài khoảng 0,81km. Đoạn 2: Từ nút giao với đường trục xã Tiên Tân (đường Lê Công Thanh kéo dài) đến nút giao với đường 68m, chiều dài khoảng 0,793km.
Bên cạnh công tác chuẩn bị triển khai cho dự án đường Vành đai 5, hiện nút giao Phú Thứ đang được UBND tỉnh Hà Nam và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm.
“Nút giao Phú Thứ được coi là một trong những công trình trọng điểm, khi hoàn thành sẽ tạo thêm nhánh kết nối, thông trục giao thông Đông - Tây, tạo cân bằng giữa các vùng kinh tế của tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách”, ông Phạm Quang Hưng cho biết thêm.
Đảm bảo tiến độ trước thềm Đại hội
Nút giao Phú Thứ nằm trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thuộc xã Tiên Hiệp – thành phố Phủ Lý – Hà Nam với phạm vi chiều dài khoảng 2km. Nút giao được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc nút giao thông 3 tầng. Tầng 1 (dưới cùng) sẽ xây dựng hầm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quy mô 6 làn xe theo quy hoạch điều chỉnh cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tầng 2 (tầng trung gian): Bố trí đảo xuyến kết nối liên thông hệ thống đường gom cao tốc (quy mô 3 làn xe cơ giới), đường bên Vành đai 5 từ nút giao Phú Thứ đến nút giao đường 68m (quy mô 3 làn xe cơ giới, 1 làn xe hỗn hợp ); xây dựng 4 trạm thu phú trên đường gom cao tốc. Tầng 3 (trên cùng - chưa xây dựng): Là đường Vành đai 5 trên cao vượt cao tốc theo quy hoạch đường Vành đai 5 - Hà Nội sẽ được dành quỹ đất để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh ở giai đoạn sau.
Theo kỹ sư Hồ Minh Hạnh – Chỉ huy trưởng công trường nhà thầu Vinaconex, hiện tổng giá trị sản lượng thi công của liên danh hai nhà thầu Vinaconex – Trung Chính ước tính đạt khoảng 400 tỷ đồng, tương đương 30% khối lượng công việc. Để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình, chúng tôi huy động toàn bộ nhân lực, vật lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện tổng số nhân công xây dựng tại công trường có khoảng 200 người, trong đó mỗi ca làm việc sẽ có khoảng 100 nhân công được trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cho xây dựng từng hạng mục khác nhau. Nhà thầu còn bố trí bộ phận kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện dự án.
“Tiến độ thi công của dự án đến thời điểm hiện tại vẫn đang bám theo tiến độ của chủ đầu tư và tỉnh đề ra. Tuy nhiên, các nhà thầu đang gặp phải một số khó khăn do giá vật liệu xây dựng như cát, đá, nhựa đường... đang khá cao, gấp đôi so với giá trị ước tính ban đầu”, ông Hồ Minh Hạnh chia sẻ.
Cũng theo kỹ sư Hồ Minh Hạnh, quá trình thực hiện dự án, việc giải phóng mặt bằng ban đầu cũng gặp một số vướng mắc, nhưng được sự quan tâm từ phía UBND tỉnh và chủ đầu tư nên các vấn đề đều được giải quyết, không ảnh hưởng quá nhiều tới tiến độ công trình.
Trên thực tế, liên danh hai nhà thầu Vinaconex – Trung Chính vẫn đang tiếp tục mua vật liệu xây dựng với mức giá cao. Trường hợp giá thành của vật liệu xây dựng trong thời gian tới nếu không giảm sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các doanh nghiệp xây dựng nói chung cũng như các nhà thầu thực hiện dự án nói riêng. Ông Hồ Minh Hạnh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để công trình sớm đi vào hoạt động.
Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ là một trong những dự án trọng điểm được tỉnh Hà Nam quan tâm. Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, dự kiến tháng 8/2025 dự án sẽ đi vào hoạt động cùng với một số công trình trên địa bàn tỉnh nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh. Song hành với đó là dự án Sun Urban City của Tập đoàn Sun Group tại thành phố Phủ Lý, đây là công trình được yêu cầu hoàn thiện trước thềm Đại hội nhằm góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị Hà Nam.
Từ lợi thế về hạ tầng giao thông, quỹ đất và môi trường đầu tư thông thoáng, Hà Nam trở thành vùng đất tiềm năng, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn. Tính đến cuối năm 2023, Hà Nam thu hút được 49 dự án đầu tư mới, trong đó có 33 dự án FDI và 16 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 459 triệu USD và hơn 1.930 tỷ đồng. Với quy mô đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, trong tương lai, Hà Nam - vùng đất “núi Đọi sông Châu” hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn bậc nhất của các nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới.