Hà Nội: 2.621 đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính
Tính đến hết năm 2023, đã có 2.621 đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Chiều 26-2, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Sở Nội vụ, UBND quận Ba Đình, UBND huyện Chương Mỹ và các sở, ngành liên quan về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 thuộc thành phố Hà Nội”.
Báo cáo Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết: Giai đoạn 2015-2021, thành phố đã sắp xếp giảm 280 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 10,1%, không bao gồm các trường THPT, THCS, Tiểu học, Mầm non thành lập mới theo quy hoạch mạng lưới trường học), vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TƯ. Với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, thành phố chủ trương giải thể hoặc sáp nhập vào các đơn vị sự nghiệp công lập khác có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
"Các đơn vị sau sắp xếp dần hoạt động ổn định, nâng cao mức độ tự chủ, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của các đơn vị, đáp ứng nhu cầu của tổ chức và người dân", Phó Giám đốc Sở Nội vụ thông tin.
Cùng với đó, tính đến hết năm 2023, thành phố đã giải quyết nghỉ tinh giản biên chế đối với 2.055 trường hợp. Về kết quả thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết ngày 31-12-2023, đã có tổng số 2.621 đơn vị được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Từ những kết quả thực hiện thời gian qua, thành phố đề nghị Chính phủ phân cấp để UBND thành phố được thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với “Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh”; đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phân cấp để UBND thành phố được thành lập, sáp nhập, chia, tách đối với các trường cao đẳng nghề trực thuộc.
Đồng thời, thành phố đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ điều chỉnh lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn; hướng dẫn việc xác định phần kinh phí ngân sách hỗ trợ do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không bảo đảm đủ chi thường xuyên (đặc biệt là các loại phí thuộc thẩm quyền của trung ương). Thành phố cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết về danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; quy trình, nội dung các bước trong việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng và Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến kiến nghị sớm ban hành các văn bản quy định về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị tự chủ; sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công do nhà nước quản lý; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở cho các địa phương tiếp tục triển khai và thực hiện...
Tại buổi giám sát, các đại biểu Quốc hội và đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố đề nghị làm rõ một số vấn đề như: Phân định rõ đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị hành chính để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý; triển khai tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập…
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Đoàn giám sát thống nhất nhận định Hà Nội triển khai nghị quyết của Trung ương và Chính phủ quyết liệt, bài bản, đạt được kết quả đáng ghi nhận với cách làm linh hoạt, sáng tạo.
Đối với những tồn tại, hạn chế đã nêu, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị chỉ rõ nguyên nhân. Đồng thời, Sở Nội vụ tham mưu hoàn thiện báo cáo; tổng hợp riêng thành một biểu về những vấn đề chưa có chủ trương thống nhất gửi tới Đoàn giám sát.