Hà Nội: 5 huyện cần hoàn thành nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận
Yêu cầu các huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, đối với 5 huyện phấn đấu lên quận (gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) cần tập trung triển khai song song việc thực hiện huyện, xã nông thôn mới nâng cao, gắn với các tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận; phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.
Chiều 21/10, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” họp giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đến hết quý III/2022. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, phân bổ chi tiết kinh phí hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã ban hành 2 Bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Theo Giám đốc Chu Phú Mỹ, Hà Nội có thêm 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số huyện, thị xã của Thành phố đạt chuẩn nông thôn mới lên 15/18. Cùng với đó, toàn Thành phố có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Còn 3 huyện chưa đạt là Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, huyện Ứng Hòa đã có Tờ trình về việc thẩm tra, đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Huyện Ba Vì còn 3/9 tiêu chí cơ bản đạt; huyện Mỹ Đức vẫn còn 4/9 tiêu chí cơ bản đạt là y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống.
Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn Thủ đô có 131,2 ha trồng rau trong nhà lưới; 228,29 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 5,46 ha ứng dụng công nghệ không sử dụng đất; 277,4 ha ứng dụng công nghệ sản xuất để sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP... Toàn Thành phố có khoảng 211,2 ha trồng hoa; 778,9 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao vào quá trình sản xuất.
Ngành chăn nuôi cũng đang hướng đến các mô hình chăn nuôi lớn, chăn nuôi an toàn sinh học ứng dụng công nghệ cao, từng bước tiến tới quy hoạch chăn nuôi gắn liền với giết mổ, chế biến nhằm cung cấp thực phẩm an toàn, phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Thống kê trong toàn Thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động...
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai bài bản, đạt hiệu quả. Hà Nội hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng), 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá phân hạng 488 sản phẩm, đến nay Hội đồng đánh giá đã thực hiện đánh giá thêm 78 sản phẩm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là 23.664,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Thành phố là 11.962,2 tỷ đồng; ngân sách huyện là 9.065,4 tỷ đồng; ngân sách xã: 703,1 tỷ đồng. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 1.933,8 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp 1.051,3 tỷ đồng.
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, đặc biệt là kiến nghị của lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 04-CTr/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được nhờ sự chủ động vào cuộc của Ban Chỉ đạo Thành phố, các cấp, các ngành, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục.
Cụ thể, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chưa rõ nét, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cũng chưa nhiều; việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Do đó, trong tháng cuối năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch của Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với 3 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tăng thêm, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu tập trung rà soát để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa đạt hoặc cơ bản đạt.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các huyện, các xã trong toàn Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, đối với 5 huyện phấn đấu lên quận (gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) cần tập trung triển khai song song việc thực hiện huyện, xã nông thôn mới nâng cao, gắn với các tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận; phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đặc biệt lưu ý, các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; nắm chắc tình hình nhân dân; tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2022; đồng thời triển khai xây dựng dự toán năm 2023.