Hà Nội: Bà lão 85 tuổi bị tố 'ngày đi ăn xin, tối về biệt thự' thường xuyên ngủ ở nhà vệ sinh
'Qua cách nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày thì tôi thấy bà Phượng là người có ăn có học, ngôn từ rất sắc sảo, không hề có dấu hiệu của bệnh lý tâm thần. Nhưng có một điều kỳ lạ, bao năm qua bà Phượng không hề ngủ trong nhà mà chỉ ngủ ở nhà vệ sinh', hàng xóm nhà bà Phượng cho hay.
Những ngày qua trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin kèm video một bà lão được cho là người "vô gia cư giả" chuyên đi nhặt ve chai và "giả khổ" để nhận quà từ thiện từ các nhà hảo tâm, nhưng thực tế, bà lão này có nhà biệt thự cổ trị giá hàng chục tỷ đồng ở trên phố Tô Hiến Thành (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
Thông tin trên ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với việc làm của bà, nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ sự đồng cảm vì bà đã tuổi cao sức yếu, phải đi nhặt ve chai, xin đồ từ thiện để sống qua ngày.
Theo tìm hiểu, bà lão được nhắc đến trong câu chuyện trên tên là Nguyễn Thị Kim Phượng (85 tuổi), đang sinh tại ngôi nhà biệt thự Pháp cổ ở địa chỉ số 63A phố Tô Hiến Thành. Hiện ngôi nhà này có 3 hộ gia đình sinh sống, bà Phượng có hộ khẩu ở tầng 1, còn tầng 2, 3 là của gia đình khác.
Căn phòng tầng 1 của bà Phượng khóa ngoài, nhìn qua khe cửa thấy bên trong toàn là rác thải và phế liệu xếp cao đến tận nóc nhà. Bên ngoài vỏ lon, vỏ hộp, túi nilon, thùng xốp vứt bừa bãi.
Chị L. (hàng xóm nhà bà Phượng) cho biết, suốt mấy chục năm qua, ngày nào bà Phượng cũng đi nhặt ve chai, phế liệu về chất đống trong nhà, thi thoảng chính quyền địa phương lại phải đến dọn dẹp giúp.
"Năm nào chính quyền địa phương cũng tổ chức xuống dọn nhà giúp bà Phượng từ 2-3 lần. Nhưng chỉ được vài ngày bà Phượng lại mang rác về chất đống ở nhà. Chúng tôi sinh sống ở đây nhiều năm rồi nhưng cũng không hiểu sao bà Phượng lại làm như vậy...", chị L. cho hay.
Theo chị L. bà Phượng năm nay đã 85 tuổi, nhưng bà vẫn có thể đạp xe đi nhặt rác hàng ngày, quanh năm chẳng thấy bà ốm đau bao giờ. Trời mùa đông lạnh xuống dưới 10 độ, nhưng bà Phượng vẫn tắm nước lạnh.
"Nhà tôi bán hàng ăn, mùa đông thường đun nhiều nước nóng để rửa bát. Nhân viên của quán thương bà lạnh nên xách sang cho bà xô nước nóng để tắm rửa nhưng bà Phượng đều từ chối...", chị L. nói.
Cũng theo chị L. nhìn bà Phượng trông lúc nào cũng lấm lem bẩn thỉu, thế nhưng hàng xóm quanh đây rất quan tâm đến bà, mỗi khi bà có việc gì mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ, chứ không vì ngoại hình của bà mà hắt hủi, xa lánh bà.
"Qua cách nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày thì tôi thấy bà Phượng là người có ăn có học, ngôn từ rất sắc sảo, không hề có dấu hiệu của bệnh lý tâm thần. Nhưng có một điều kỳ lạ, bao năm qua bà Phượng không hề ngủ trong nhà mà chỉ ngủ ở nhà vệ sinh", chị L. nói và cho biết, trong nhà bà Phượng lúc nào cũng đầy ắp rác và phế liệu.
Lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết, bà Phượng là người già đơn thân, có hộ khẩu thường trú tại căn nhà trên phố Tô Hiến Thành.
"Bà Phượng hàng tháng được nhận trợ cấp 400.000 đồng. Bà khỏe mạnh, minh mẫn và hoạt bát, nhưng có 'sở thích' đi nhặt rác, tích trữ rác đầy nhà. Chính quyền cũng từng đề nghị sửa nhà, lát sàn, mua giường chiếu, ti vi, tủ… để bà dọn vào ở nhưng bà không đồng ý", lãnh đạo UBND phường nói.
UBND phường cùng các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho bà Phượng trong những dịp lễ, Tết, tháng hành động vì người nghèo, trợ cấp đột xuất; giao địa bàn dân cư, tổ dân phố số 2 quan tâm chăm lo đời sống của bà.
"Bà Phượng luôn có tên trong danh sách hỗ trợ. Hàng xóm xung quanh cũng quan tâm, nấu đồ ăn mang sang, nhưng bà không ăn. Mỗi buổi trưa và tối, bà lại ra đường xin đồ từ thiện", lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành cho hay.