Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô
Nội dung triển khai cụ thể Quy hoạch Thủ đô bao gồm 20 chỉ tiêu, 70 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, 227 nội dung công việc cần triển khai và 201 dự án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trên địa bàn thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng bộ hệ thống quy hoạch
UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 2059/QĐ-UBND ngày 15/4 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn.
Theo đó, để hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống các quy hoạch, quyết định nêu rõ: Tập trung triển khai rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương) thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, các quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành (thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương), nhằm bảo đảm mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch…
Gắn với triển khai thực hiện Luật Thủ đô
Đối với nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, quyết định chỉ rõ, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong Luật Thủ đô để tạo ra những đột phá tạo sức hút, huy động đa dạng nguồn lực bên ngoài, các thành phần kinh tế tham gia khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực phát triển Thủ đô. Việc sử dụng các nguồn lực cần hướng đến tạo đột phá và thực hiện chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách nhà nước và đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở tất cả cấp ngân sách gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội về tài chính, ngân sách, đầu tư tại Luật Thủ đô, các Nghị quyết của Quốc hội đối với thành phố Hà Nội.
Quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là nguồn lực tài chính từ đất đai để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô để bố trí, sắp xếp, khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, nhất là ở những vị trí có khả năng sinh lợi cao.
Nghiên cứu có cơ chế khai thác giá trị tăng lên từ đất khi đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị; các chính sách thuế bất động sản, những loại phí đặc thù… để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang đô thị…
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Về tổ chức thực hiện, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo chung các hoạt động triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô; trực tiếp chỉ đạo các hoạt động có tính liên ngành, do nhiều Phó chủ tịch UBND TP phụ trách. Các phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo hoạt động triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô theo lĩnh vực được phân công.
Đối với các đơn vị trực thuộc thành phố, chủ động khai thác, nghiên cứu hồ sơ Quy hoạch Thủ đô đã được công bố và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của thành phố; xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch chi tiết của ngành, lĩnh vực, địa bàn triển khai thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; tăng cường giám sát, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP về kết quả thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương, đơn vị.
Quyết định cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tư pháp phối hợp triển khai thực hiện.