Hà Nội bảo đảm an sinh xã hội
15 năm qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội luôn chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị tham mưu với TP ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án và tham mưu điều chỉnh những giải pháp để phù hợp với thực tế và đặc thù địa phương.
Qua đó, công tác an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô luôn được bảo đảm. Các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm về lao động, người có công và xã hội cơ bản đều hoàn thành, có nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành xuất sắc vượt mức đề ra.
Gần 2,5 triệu lượt người được giải quyết việc làm
Quán triệt Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, kể từ khi hợp nhất, Ban Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội luôn tập trung chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo ngành chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời thực hiện tốt công tác chuyên môn và các Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của UBND TP.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 6/2023, Hà Nội đã tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lượt lao động. Trung bình mỗi năm TP tạo việc làm cho 160.000 lượt người lao động. Điều đáng nói, số lượng người được giải quyết việc làm tăng dần qua từng năm. Nếu năm 2008, Hà Nội chỉ giải quyết việc làm cho 121.500 người thì từ năm 2018 - 2022 đã có khoảng 180.000 - 203.000 lao động được tạo việc làm/năm. 6 tháng đầu năm 2023, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 113.418/162.000 người, đạt 70% kế hoạch năm.
Trong giai đoạn này, Hà Nội đã có 512.386 lao động được giải quyết việc làm bằng cho vay vốn với tổng số tiền 15.620 tỷ đồng. Nguồn tiền cho vay vốn để tạo việc làm cũng tăng dần qua từng năm và số lao động được giải quyết việc làm cũng nhiều lên. Tương ứng, năm 2018 vốn vay 123,9 tỷ đồng giải quyết việc làm cho 18.750 lao động thì đến năm 2022 nguồn vốn tăng lên thành 1.400 tỷ đồng giải quyết việc làm cho 28.000 người lao động.
Năm 2023, TP đặt ra mục tiêu tuyển sinh và đào tạo cho 230.000 lượt người; phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, để có được kết quả này, Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với 2 sàn giao dịch việc làm đặt tại 215 Trung Kính, quận Cầu Giấy và 144 Trần Phú, quận Hà Đông, đến nay, TP thành lập và đi vào hoạt động 13 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại 13 quận, huyện và hoàn thành Đề án “Tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động Sàn giao dịch việc làm TP Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng đến năm 2020” của UBND TP.
“Kết quả đó là sự đóng góp rất lớn vào thành công chung của cả nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm” - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam nhận định.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%
Cùng với việc giải quyết việc làm cho người lao động, trong 15 năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn được Hà Nội quan tâm, chú trọng. Điều này thể hiện rõ ở việc, năm 2007, TP Hà Nội có 228 cơ sở GDNN đến nay tăng lên thành 360 cơ sở. Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP đặt ra mục tiêu xây 4 trường cao đẳng nghề chất lượng cao hướng tới trường đạt chuẩn khu vực, quốc tế theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ: trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Ngoài ra, Hà Nội có 16 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc TP được Bộ LĐTB&XH lựa chọn 29 nghề trọng điểm, trong đó có 14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia. Giai đoạn 2011 - 2015, TP đã bố trí 87,2 tỷ đồng hỗ trợ 3 trường đầu tư thiết bị đào tạo các nghề trọng điểm. Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội bố trí 203 tỷ đồng để hỗ trợ 8 trường cao đẳng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đối với các nghề trọng điểm theo chương trình chuyển giao và để trở thành trường chất lượng cao.
Kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính kết quả tuyển sinh đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn TP cũng liên tục tăng. Theo đó, năm 2008 có 117.000 lượt người được đào tạo nghề đã tăng lên 252.286 lượt người năm 2022 (tăng trên 115,62% trên cả giai đoạn). Giai đoạn 2008 - 2022, các cơ sở có hoạt động GDNN trên địa bàn TP thực hiện tuyển sinh đào tạo đạt 2.614.702 lượt người.
Với việc TP Hà Nội có 2,1 triệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 2008 - 2022; tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80% đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP Hà Nội tăng từ 27,5% năm 2008 lên 72,23% năm 2022. Trong đó, lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5% năm 2022 góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo, có tay nghề, chất lượng cao cho thị trường lao động Thủ đô.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được TP Hà Nội nghiêm túc triển khai thực hiện và mang lại kết quả rõ rệt. Trong 10 năm (từ năm 2011 - 2020), các quận, huyện, thị xã tổ chức đào tạo nghề cho 217.571 lượt người; giải quyết việc làm sau đào tạo cho 169.909 người/212.859 người học xong; tỷ lệ người lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 79,8%.
Chất lượng lao động nông thôn có tay nghề ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP.
Với tinh thần quyết tâm phấn đấu của toàn ngành, kết quả công tác mà ngành LĐTB&XH đạt được góp phần bảo đảm an sinh, an dân, an toàn xã hội và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung của TP Hà Nội. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH và UBND TP tặng thưởng nhiều Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc.
Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất toàn quốc, với gần 800.000 người có công. Giai đoạn 2008 - 2023, toàn TP vận động Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa đạt 519.754 triệu đồng; tặng 81.548 sổ tiết kiệm Tình nghĩa số tiền trên 81 tỷ đồng; hỗ trợ tu sửa nâng cấp nhà ở với 8.135 hộ gia đình người có công kinh phí trên 291,2 tỷ đồng; tu sửa nâng cấp 1.779 công trình ghi công liệt sĩ với số tiền hơn 1.056 tỷ đồng.
Kể từ năm 2009, Hà Nội áp dụng chuẩn nghèo TP theo từng giai đoạn. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, tỷ lệ hộ nghèo ở
Hà Nội từ 8,43%, tương ứng với 117.825 hộ nghèo; đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,095%, tương ứng 2.134 hộ nghèo.
Đến nay toàn TP Hà Nội có trên 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng; trên 2.900 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội. Sau khi mở rộng, Hà Nội có 14 xã miền núi, trong đó có 2 xã và 22 thôn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đến tháng 5/2017, Hà Nội không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-bao-dam-an-sinh-xa-hoi.html