Hà Nội bảo đảm an toàn hệ thống đê điều mùa mưa lũ: Chú trọng '4 tại chỗ', xử lý ngay giờ đầu
Mặc dù đã được chú trọng đầu tư nhưng hệ thống đê điều ở Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố.
Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra - đặc biệt là chỉ còn ít ngày nữa, Hà Nội sẽ bước vào thời kỳ lũ chính vụ, các cơ quan chức năng, địa phương của thành phố đang tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ"...
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Do ảnh hưởng của các trận mưa lớn nên những ngày vừa qua, các nhà máy thủy điện: Sơn La, Tuyên Quang đã phải mở cửa xả đáy khiến mực nước sông Đà, sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận huyện Ba Vì dâng nhanh.
Chứng kiến dòng nước chảy vào chân kè bảo vệ bờ sông và đê hữu Hồng, không ít người dân địa phương lo lắng. Bà Nguyễn Thị Thắng ở xã Phong Vân (huyện Ba Vì) cho biết: “Đoạn kè Phong Vân đã bị sạt lở. Gần 50 hộ dân sinh sống giáp tuyến kè này tha thiết đề nghị các cấp, ngành sớm đầu tư công trình để giảm nỗi lo mất đất, mất nhà".
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 20 sự cố đê điều; trong đó có 14 sự cố về đê, 3 sự cố về kè, 1 sự cố sạt lở bờ sông… Tính riêng năm 2023, thành phố Hà Nội đã bố trí khoảng 1.048 tỷ đồng kinh phí đầu tư tu bổ, nâng cấp công trình đê điều.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông, tính đến thời điểm này, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đi qua địa phận thành phố Hà Nội đều bảo đảm cao trình chống lũ ở mực nước thiết kế. Tuy nhiên, do một số vị trí mới được sửa chữa, nâng cấp, chưa qua lũ lớn nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khi nước lũ dâng cao trong nhiều ngày.
Kết quả kiểm tra hệ thống đê điều trước mùa mưa lũ năm 2024 của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho thấy, trên các tuyến đê đi qua địa bàn Hà Nội còn 5 vị trí trọng điểm cần lập phương án riêng để bảo vệ, gồm: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống (huyện Đông Anh); công trình cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm); khu vực đê, kè, cống Tân Hưng - Cẩm Hà, Hiệu Chân nằm trên đê hữu sông Cầu (huyện Sóc Sơn); cống Cẩm Đình nằm trên đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ); kè Liên Trì nằm trên đê hữu Hồng (huyện Đan Phượng).
Bên cạnh đó, trên các tuyến đê: Hữu Đà, hữu Hồng, Sen Chiểu, tả Đuống của thành phố Hà Nội còn 23 vị trí xung yếu thuộc địa bàn các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên, Gia Lâm và các quận: Long Biên, Hoàng Mai...
Chủ động ứng phó mọi tình huống
Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp nhận định, từ tháng 7 đến tháng 9, thành phố Hà Nội có khả năng ảnh hưởng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; 3-5 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trên các sông có khả năng xuất hiện 5-8 trận lũ với biên độ lũ lên 1-3m. “Từ tháng 7 đến tháng 9 là thời kỳ lũ chính vụ. Do vậy, trên các sông chảy qua địa phận thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều trận lũ có thể đe dọa an toàn hệ thống đê điều”, ông Nguyễn Văn Hiệp cảnh báo.
Để bảo đảm an toàn các tuyến đê trong mùa mưa lũ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành công tác tu bổ đê điều, nhất là tại các vị trí, địa bàn trọng điểm, xung yếu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ)…
Thực hiện chỉ đạo trên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, đơn vị đã kiểm tra chất lượng vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê; chỉ đạo các hạt quản lý đê phát quang cây cối để kịp thời phát hiện sự cố trên đê. Các địa phương có đê đã chuẩn bị vật tư dự phòng trên đê; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng canh đê, xung kích hộ đê…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên, huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch, hiệp đồng với các đơn vị công an, quân đội, huy động 5.552 cán bộ, chiến sĩ, 32 ô tô, 4 xuồng, 1 xà lan, 4 máy phát điện sẵn sàng ứng phó với từng tình huống thiên tai, sự cố đê điều, công trình thủy lợi có thể xảy ra trên địa bàn…
Còn Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho hay, huyện đã thành lập 2 đại đội xung kích tập trung gồm 300 người làm nhiệm vụ hộ đê, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các xã có đê chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư, bảo đảm mỗi điếm canh đê có 5m3 cát, 5m3 đá, 100 bao tải, 50kg rơm, 10m2 phên nứa, 10 cây tre... Các xã còn thành lập đội tuần tra, canh gác, bảo vệ đê với 12-18 người thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1-6 đến 31-10…
Chỉ còn ít ngày nữa, thành phố Hà Nội sẽ bước vào thời kỳ lũ chính vụ. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch hộ đê đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.