Hà Nội bảo đảm an toàn, hiệu quả cho chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi
Hà Nội chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn từ ngày 14/10. Để bảo đảm an toàn, hiệu quả và chất lượng cho chiến dịch, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập ba đoàn kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức, triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng tại các quận, huyện, thị xã.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 đưa ra mục tiêu có hơn 95% trẻ từ một đến năm tuổi đang sống trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm một mũi vaccine phòng bệnh sởi-rubella (MR).
Thời gian triển khai Chiến dịch bắt từ ngày 14/10, trên phạm vị 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Địa điểm tổ chức tiêm tại trạm y tế; trường mầm non, mẫu giáo, các điểm tiêm chủng lưu động khác tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương.
Đáng chú ý, qua rà soát thống kê, toàn thành phố dự kiến có khoảng 70 nghìn đối tượng thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.
Trong hai ngày 15 và 16/10 chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi được triển khai trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Đợt tiêm vét cho các đối tượng tạm miễn hoãn tiêm chủng trong buổi tiêm chủng thường xuyên ngày 6/11. Chia sẻ về công tác triển khai chiến dịch, Giám đốc Trung tâm Y tế Ứng Hòa Đặng Anh Tuân cho biết, qua rà soát toàn huyện Ứng Hòa có gần 1.500 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi. Các đơn vị y tế trên địa bàn huyện sẽ tiến hành tiêm chủng cho hơn 95% trẻ em từ 1 đến 5 tuổi đang sống trên địa bàn huyện Ứng Hòa chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm một mũi vaccine phòng bệnh Sởi- Rubella (MR).
Để bảo đảm chiến dịch đạt hiệu quả, nhất là bảo đảm an toàn trong quá trình tiêm chủng, tất cả các cán bộ y tế tham gia tiêm chủng đều được tập huấn lại về chuyên môn kỹ thuật; hướng dẫn công tác tiếp đón, khám, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm được các điểm tiêm thực hiện nghiêm túc, bố trí hợp lý, quy trình một chiều.
Các trạm y tế, thị trấn tổ chức điều tra, rà soát đối tượng; lập danh sách và khai thác tiền sử tiêm chủng sởi, sởi- rubella (MR) và Sởi- Quai bị- Rubella (MMR), tiền sử dị ứng của tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên đại bàn kể cả đối tượng vãng lai. Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về sự nguy hiểm của bệnh Sởi- Rubella, sự cần thiết phải tiêm vaccine Sởi- Rubella, đối tượng tiêm, thời gian và địa điểm tiêm vaccine phòng bệnh Sởi- Rubella để các bậc phụ huynh đưa con em mình đến tiêm chủng đầy đủ.
Trung tâm Y tế Ứng Hòa cũng đã thành lập ba đoàn kiểm tra, giám sát tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn huyện. Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức, triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi tại các xã, thị trấn; tổng hợp báo cáo theo quy định. Trung tâm thành lập bảy tổ cấp cứu có nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết bảo đảm công tác thường trực, cấp cứu; bảo đảm sẵn sàng tham gia xử trí các tình huống khi được yêu cầu tham gia cấp cứu.
Ngày đầu triển khai, nhiều xã, thị trấn đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như: xã Sơn Công (đạt 93%); Cao Thành (đạt 82,6%); Lưu Hoàng (đạt 77%); thị trấn Vân Đình (đạt 81,6%)...
Theo báo cáo nhanh, của các quận, huyện như: Long Biên, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Đông Anh, Hoài Đức, Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa… trong những ngày đầu tiên triển khai chiến dịch đã có hàng chục nghìn trẻ trong độ tuổi đã được tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi. Qua công tác kiểm tra công tác tiếp đón, khám, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm được các điểm tiêm thực hiện nghiêm túc, bố trí hợp lý, quy trình một chiều; toàn toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng được lập danh sách cụ thể và thông báo đầy đủ thời gian, địa điểm tiêm.
Các cán bộ y tế tham gia tiêm chủng được hướng dẫn, tập huấn lại về chuyên môn kỹ thuật; công tác tuyên truyền được thực hiện với nội dung và hình thức phong phú đến từng người dân, gia đình và nhà trường trên địa bàn. Đặc biệt, công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi cho trẻ được các đơn vị bảo đảm an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế đưa ra.
Số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn từ năm 2012 đến 2024, dịch sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận gia tăng trong các năm 2014 và 2019. Cụ thể, năm 2014, toàn thành phố ghi nhận 1.741 trường hợp mắc sởi và năm 2019 là 1.765 trường hợp.
Ngoài ra, số mắc sởi ghi nhận rải rác qua các năm 2020, 2021, 2022, 2023 trung bình từ mỗi năm từ một đến 15 ca. Tuy nhiên, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố có 17 trường hợp mắc sởi, không trường hợp tử vong.
Thông qua các chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi được triển khai trên địa bàn thành phố trước đây đã giúp khống chế dịch hiệu quả. Cụ thể, kết quả tiêm chủng vaccine sởi đơn và sởi-rubella cho các đối tượng trong diện tiêm chủng năm 2019 đạt 97% đối với mũi một; 91% đối với mũi hai. Tương tự, tỷ lệ của năm 2020 lần lượt là 98% và 95%; năm 2021 là 95% và 89%; năm 2022 là 100% và 73%; năm 2023 là 85% và 91%.