Hà Nội bảo đảm nguồn cung nông sản dịp Tết

Hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dự báo nhu cầu nông sản, thực phẩm sẽ tăng mạnh. Để bảo đảm nguồn cung, cùng với đẩy mạnh sản xuất, thành phố Hà Nội đang liên kết với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, chủ động điều tiết, bình ổn giá...

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Chủ động sản xuất, liên kết

Thời điểm này, các vùng sản xuất của thành phố Hà Nội dồn lực chuẩn bị phục vụ thị trường cuối năm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, với gần 10 triệu dân cư trú thường xuyên cùng hàng triệu khách du lịch mỗi năm, Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sản lượng một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố mới đáp ứng 20-70% nhu cầu người dân (tùy loại). Lượng còn lại, Hà Nội phải nhập từ nhiều tỉnh, thành phố và nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường cuối năm, sức tiêu thụ có thể tăng 20-30%, để chủ động sản xuất, cân đối nguồn hàng, Hà Nội sớm chủ động xây dựng nguồn nông sản, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ...

Cụ thể, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, căn cứ diễn biến thời tiết, Hà Nội chủ động xây dựng kịch bản sản xuất. Sở NN&PTNT sớm có văn bản phân công cán bộ cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng chính vụ; tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Khảo sát tại các huyện: Thường Tín, Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn… cho thấy, nhiều trang trại, hợp tác xã đang đẩy mạnh xuống giống cây trồng, vật nuôi ngắn ngày kết hợp chăm sóc để kịp phục vụ thị trường cuối năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho hay, vụ đông này, Thường Tín gieo trồng hơn 1.300ha rau màu các loại. Huyện còn yêu cầu các xã rà soát toàn bộ diện tích đất để tăng cường gieo trồng, đến nay, cơ bản đạt yêu cầu...

Ngoài chủ động sản xuất, Hà Nội liên kết với các tỉnh, thành phố để cung ứng nông sản an toàn cho thị trường Thủ đô, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, bảo đảm đa dạng hàng hóa và chất lượng thực phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Thời gian qua, thành phố chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, kết nối nguồn cung nông sản an toàn, chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và du khách. Đến nay, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - quảng bá nông sản, đặc sản vùng miền; hỗ trợ lưu thông hàng hóa...

Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, quận, huyện, thị xã cập nhật quy định, yêu cầu kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm cho các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn kết hợp quản lý chặt chẽ vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Sẵn sàng nguồn hàng hóa phục vụ Tết

Đến nay, nhiều chuỗi cung ứng nông sản đã chủ động liên kết đưa nguồn hàng tới thị trường Thủ đô. Ông Trần Quân, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ, Sói Biển hiện có 30 cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội với khoảng 2.000 loại sản phẩm bán hằng ngày. Chủ động nguồn hàng cuối năm, chuỗi Sói Biển đã ký hợp đồng tiêu thụ với hàng chục cơ sở sản xuất.

“Cuối năm, nhu cầu thực phẩm chắc chắn tăng mạnh, do đó, cửa hàng chủ động ký kết, nhập khẩu nhiều mặt hàng đặc sản, OCOP để cung ứng cho người dân Thủ đô”, ông Trần Quân nói.

Không riêng doanh nghiệp, hợp tác xã, các ngành: Công Thương, Nông nghiệp của Hà Nội cũng đã chủ động ký kết, tổ chức nhiều hội chợ, gian hàng nhằm giới thiệu nông sản các tỉnh, thành phố tới người dân Thủ đô. Dịp Tết Nguyên đán tới, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm: Gạo, thịt lợn, thịt gà/vịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, đường, dầu ăn, gia vị… UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì công tác nắm bắt thông tin, tổ chức, điều phối hàng hóa của các đơn vị khi thị trường có biến động, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Về phía ngành Nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay: Kịch bản sản xuất đã được ngành xây dựng từ sớm và tùy tình hình thực tế sẽ điều chỉnh phù hợp. Đối với nguồn nông sản, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương dự kiến nhu cầu và xây dựng phương án liên kết, cung ứng, đáp ứng nhu cầu dịp Tết.

Ngành Nông nghiệp còn phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tăng cường khảo sát nguồn cung từ các chuỗi cửa hàng của Hà Nội. Toàn thành phố hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa...

"Tôi tin rằng, với sự chủ động trong sản xuất, chủ động liên kết xây dựng các chuỗi, đặc biệt là chuỗi liên kết với các tỉnh, thành phố, chắc chắn dịp Tết này, Hà Nội sẽ bảo đảm nguồn cung nông sản chất lượng tốt phục vụ người dân Thủ đô”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-bao-dam-nguon-cung-nong-san-dip-tet-685580.html