Hà Nội cấm đường để thi công nhà máy nước mặt sông Hồng
Các phương tiện đi qua khu vực nhà máy nước mặt sông Hồng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) sẽ có sự điều chỉnh về hướng di chuyển trong khoảng nửa tháng tới.
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Hà Nội, bắt đầu từ ngày 15/3 đến 31/3, đơn vị sẽ thực hiện tổ chức lại giao thông khu vực quanh nhà máy nước mặt sông Hồng ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Theo phương án phân luồng mới, khi đơn vị thi công đào cắt ngang đường T1.422 đoạn Km1+700 (xã Liên Trung, Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) để lắp tuyến ống truyền dẫn nước thô của nhà máy nước mặt Sông Hồng thì các phương tiện sẽ bị cấm di chuyển qua khu vực này.
Sở GTVT Hà Nội hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông từ đê Hữu Hồng có nhu cầu đi Quốc lộ 32 sẽ di chuyển theo hướng từ Đê Hữu Hồng - Đê Trong - N2 (Liên Hồng) - (Hạ Mỗ - Tân Hội) - T1.422 - Quốc lộ 32.
Ngược lại, các phương tiện tham gia giao thông từ Quốc lộ 32 có nhu cầu đi Đê Hữu Hồng di chuyển từ Quốc lộ 32 - (Hạ Mỗ - Tân Hội) - N2 (Liên Hồng) - Đê Trong - Đê Hữu Hồng.
Các phương tiện tham gia giao thông có nhu cầu đi cụm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà đi theo hướng T1.422 - đường giao thông nội bộ cụm công nghiệp xã Liên Hà và ngược lại.
Riêng đối với xe container, xe quá khổ, quá tải trên 10 tấn muốn đi Đê Hữu Hồng thì đi theo hướng Quốc lộ 32 - N12 - N2 (Liên Hồng) - Đê Trong - Đê Hữu Hồng.
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị có liên quan phối hợp lập các chốt phân luồng từ xa và tại chỗ theo bản vẽ biện pháp thi công do đơn vị thi công lập. Cùng với đó, phải bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo, đèn chiếu sáng ban đêm và đèn báo hiệu và rào cứng trên đoạn thi công đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện.
Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng có diện tích hơn 21 ha, đặt tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Đây là dự án nằm trong điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng có tổng mức đầu tư gần 3.700 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư. Với công suất thiết kế dự kiến, nhà máy nước mặt sông Hồng khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Đan Phượng và một số vùng phụ cận.