Hà Nội cấm khách sạn sử dụng nhựa dùng một lần từ năm 2026
Hà Nội chính thức ban hành lộ trình loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên toàn địa bàn, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.
Hà Nội chính thức ban hành lộ trình loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên toàn địa bàn, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.
Một trong những nội dung đáng chú ý là từ ngày 1/1/2026, các khách sạn và khu du lịch sẽ không được sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.

Ảnh minh họa.
HĐND TP.Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố. Đây là bước đi quyết liệt nhằm thực hiện điểm d, khoản 2, Điều 28 của Luật Thủ đô, đồng thời cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2031 sẽ loại bỏ hoàn toàn sản phẩm nhựa dùng một lần tại Hà Nội.
Theo Nghị quyết, các biện pháp giảm phát thải nhựa được áp dụng theo lộ trình với từng nhóm đối tượng cụ thể. Trước tiên, từ ngày 1/1/2026, tất cả khách sạn và khu du lịch tại Hà Nội sẽ không được phép lưu hành và sử dụng các vật phẩm từ nhựa dùng một lần, bao gồm: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm, cùng bao bì nhựa đựng kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể và sữa dưỡng tóc.
Tiếp đó, từ ngày 1/1/2027, các chợ dân sinh và cửa hàng tiện lợi sẽ không còn được phép cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học.
Đồng thời, các đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm cắt giảm việc sử dụng bao bì nhựa và vật liệu chống sốc bằng nhựa, hoặc tổ chức thu gom, tái sử dụng để tránh phát tán ra môi trường.
Đến năm 2028, lệnh cấm sẽ mở rộng toàn diện hơn. Cụ thể, từ 1/1/2028, chợ và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố phải dừng hoàn toàn việc sử dụng và lưu hành sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm túi ni lông khó phân hủy và hộp xốp đựng thực phẩm, trừ trường hợp các sản phẩm đã được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam.
Cùng thời điểm này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc chính quyền thành phố cũng sẽ không được sử dụng bao bì nhựa dùng một lần trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày, đặc biệt là bao bì nhựa tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Không chỉ dừng lại ở khối dịch vụ và hành chính công, Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Từ 1/1/2028, các doanh nghiệp sản xuất bao bì có sử dụng chất liệu nhựa PE, PP phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 20% nhựa tái chế trong sản phẩm. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng lên 30% kể từ ngày 1/1/2030.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2031, Hà Nội sẽ dừng hoàn toàn việc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy và các hàng hóa chứa vi nhựa, ngoại trừ sản phẩm được cấp nhãn sinh thái hoặc phục vụ mục đích xuất khẩu.
Việc ban hành Nghị quyết không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của thành phố trong công cuộc bảo vệ môi trường mà còn là lời hiệu triệu đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng hành động.
Từ việc hạn chế sử dụng túi ni-lông cho đến tái chế bao bì, mỗi hành động nhỏ đều góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ hệ sinh thái và gìn giữ môi trường sống cho thế hệ mai sau.
Mỗi năm ở Việt Nam có đến 1,8 triệu tấn rác nhựa bị thải ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ có 27% trong số này là được tái chế bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Đáng quan ngại hơn, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia có tổng lượng nhựa thải ra biển lớn nhất thế giới, chiếm tới 6% tổng lượng rác thái thựa ra biển toàn cầu.
Ngoài ra, mỗi năm người dân Việt Nam sử dụng đến 30 tỉ túi nilon, và hơn 80% trong số đó bị thải bỏ sau chỉ một lần dùng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái.
Trung bình mỗi người vô tình hấp thụ khoảng 5 gram nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng. Một số chất độc hại như BPA trong nhựa có thể thẩm thấu vào thực phẩm, gây ra các bệnh như rối loạn chức năng gan, kháng insulin, ảnh hưởng đến thai nhi và thậm chí tổn thương não bộ
Đáng lo ngại hơn, vi nhựa đã xuất hiện trong sữa mẹ, 3/4 mẫu sữa từ 34 bà mẹ khỏe mạnh chứa từ 1-5 hạt vi nhựa, đặt ra nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh và thế hệ tương lai. Nồng độ vi nhựa từ 0,05 - 10mg/l có thể gây căng thẳng oxy hóa, dẫn đến viêm nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào não và biểu mô của con người.
Đối với sinh vật biển, nhựa dùng một lần được xem như một “chiếc bẫy tử thần” được giăng sẵn để lấy mạng các loài sinh vật biển bất cứ lúc nào. Hơn 700 loài sinh vật biển được ghi nhận là đã bị tổn thương vì ăn phải hoặc mắc kẹt trong nhựa, với khoảng 100.000 động vật có vú ở biển chết hàng năm.
Ước tính đến năm 2050, các nhà nghiên cứu dự báo rằng 99% chim biển sẽ có nhựa trong cơ thể, đe dọa nghiêm trọng đến tuổi thọ và khả năng sinh sản, khiến nhiều loài chim biển có nguy cơ tuyệt chủng. Hơn 56% cá voi và cá heo đã ăn phải nhựa và thường phải chịu cái chết đau đớn khi nhựa chặn đường thở và dạ dày của chúng.