Bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

Năm 2025, bên cạnh triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray còn tập trung thực hiện công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học. Từ đó, xây dựng bản đồ phân bố và đề xuất giải pháp bảo tồn bền vững cho động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Nơi có nhiều động vật quý, hiếm

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích 56,249 nghìn héc ta, nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Ngãi (thuộc địa bàn các xã Sa Thầy, Rờ Kơi, Mô Rai, Ya Ly, Sa Loong và Bờ Y). Đây là nơi có tính đa dạng sinh học cao trong hệ thống các VQG trên cả nước, với 12 kiểu rừng khác nhau, hơn 1.000 loài động vật (trong đó, có 112 loài nằm trong danh sách nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) và 1.895 loài thực vật (gồm 192 loài đặc hữu, quý, hiếm). Năm 2004, VQG Chư Mom Ray được Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản của ASEAN.

Ông Phạm Bá Nhiệt (bên phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra, thu thập thông tin từ bẫy ảnh.

Những năm qua, Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray luôn tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nghiên cứu và bảo tồn thiên nhiên. Từ năm 2020 đến nay, tại VQG Chư Mom Ray không xảy ra vi phạm và không xảy ra cháy gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Trong khoảng thời gian này, đơn vị đã phối hợp, thực hiện hoàn thành việc điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn bền vững cho các loài bò tót, đỉnh tùng, lan hài, cốt toái bổ; đồng thời triển khai lắp đặt, quản lý và vận hành 320 thiết bị bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học.

Giám đốc Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray Đào Xuân Thủy cho biết, hằng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chuyên đề về điều tra, giám sát đa dạng sinh học. Việc thực hiện các chuyên đề giúp đơn vị có cơ sở khoa học để xây dựng bản đồ phân bố và lên kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo vệ, bảo tồn bền vững các loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm.

Đẩy mạnh nghiên cứu thực địa

Theo kết quả đã điều tra, nghiên cứu cho thấy, tại VQG Chư Mom Ray có sự hiện diện của Bộ rùa (Testudines), gồm rùa đầu to, rùa núi viền, rùa dứa (rùa đầm) và cua đinh (ba ba Nam Bộ). Các loài rùa nêu trên đều là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đang được ưu tiên bảo vệ. Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray) Phạm Hồng Thái cho hay, chuyên đề điều tra hiện trạng phân bố các loài rùa trong VQG Chư Mom Ray được thực hiện ở 6 khu vực rừng có tổng diện tích 26,186 nghìn héc ta.

Để có cơ sở tổ chức điều tra ngoài thực địa, xác định đặc điểm phân bố và hiện trạng quần thể loài rùa, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế đã tổng hợp thông tin từ các tài liệu, số liệu, bản đồ đã có, các kết quả công trình khoa học nghiên cứu về các loài rùa do các chuyên gia thực hiện, thông tin tiếp nhận được từ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của VQG và người dân. Mỗi năm, cán bộ của Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế tổ chức 4 đợt kiểm tra thực tế, thu thập thông tin từ các thiết bị bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học. Bẫy ảnh được lắp đặt ở nhiều vị trí khác nhau từ khu vực bìa rừng đến khu vực sâu bên trong rừng.

Cá thể rùa núi viền tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (ở xã Mô Rai) vào tháng 5/2025.

Từ đầu năm 2025 đến nay, cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Phạm Bá Nhiệt đã cùng các đồng nghiệp tổ chức 8 đợt (mỗi đợt kéo dài từ 2 - 3 ngày) điều tra về loài rùa và thực hiện kiểm tra, thu thập thông tin của 180 thiết bị bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học tại các khu rừng trong VQG Chư Mom Ray. Ông Nhiệt chia sẻ, quá trình đi điều tra trong rừng, khi tìm thấy mỗi cá thể rùa, đội ngũ cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế tiến hành đo kích thước, chụp hình, lấy mẫu để gửi cơ quan thẩm quyền xét nghiệm xác định DNA nguồn gốc của từng loài . Thông tin mà các thiết bị bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học ghi lại có hình ảnh về các loài động vật rừng và cả con người. Những thông tin này giúp Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế có cái nhìn tổng quan về vị trí phân bố và biết được các nguy cơ sẽ tác động, xâm hại đến các loài động vật rừng cũng như cảnh quan, hệ sinh thái rừng.

“Quá trình tổ chức điều tra, giám sát đa dạng sinh học, các lực lượng của Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray đã phát hiện các dấu vết, hình ảnh ghi lại về một số động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nằm ngoài danh lục động, thực vật rừng đã được công bố tại VQG. Đây là những thông tin quan trọng và có giá trị, giúp Ban Quản lý tiếp tục triển khai công tác điều tra và thực hiện kịp thời biện pháp bảo vệ các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”, ông Thủy nói.

Thời gian tới, các lực lượng của Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức điều tra, giám sát đa dạng sinh học theo kế hoạch đã đề ra. Qua đó, cung cấp căn cứ khoa học cho công tác bảo tồn thiên nhiên, xác định được khu vực, sinh cảnh phân bố của các loài động vật rừng và triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: ĐỨC THÀNH

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/bao-ton-da-dang-sinh-hoc-tai-vuon-quoc-gia-chu-mom-ray-54356.htm