Hà Nội cần đặt hàng các nhà khoa học xử lý vấn nạn ùn tắc, ô nhiễm
Các nhà khoa học cho rằng Hà Nội cần có cơ chế đặt hàng, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học để đóng góp vào sự phát triển chung của TP cũng như xử lý vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm...
Sáng ngày 14-5, Thành ủy - HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18-5).
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kiến nghị, đề xuất và mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển của TP Hà Nội.
Cần có cơ chế đặt hàng, lắng nghe nhà khoa học
Ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội nêu vấn đề, hiện nay có một "nghịch lý" là các nhà khoa học cứ nghiên cứu, còn đầu ra của công trình sản phẩm không được quan tâm, khi các cơ quan, đơn vị chức năng của chính quyền không có kinh nghiệm trong tiếp nhận, triển khai các sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học.
Ông Rao cho rằng, hiện nay, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đều đang định hướng phát triển đường sắt đô thị để giảm ùn tắc. Từ vấn đề này, có thể đặt "đầu bài" về nghiên cứu, chế tạo đầu máy, toa xe, nghiên cứu hệ thống vận hành...
“Chỉ những gì mình không làm được thì đặt hàng nước ngoài. Như vậy vừa giúp làm chủ công nghệ, vừa đào tạo được chuyên gia, công nhân trong lĩnh vực này” – ông Rao nói và đề nghị TP nên có cơ chế tập hợp các nhà khoa học để cùng thành phố xử lý những vấn đề nóng về giao thông, môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục...
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nêu, thành phố nên tiên phong thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển khoa học công nghệ tại các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ví dụ, lãnh đạo thành phố sẽ đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ để xử lý các vấn đề trọng điểm. Một khi lãnh đạo thành phố đặt hàng, có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, sẽ có sản phẩm tốt hơn.
Ông Quân cũng cho rằng, thành phố nên nghiên cứu mô hình Nhà khoa học trưởng của Israel đang áp dụng để tăng cường sự chủ động của các chuyên gia, nhà khoa học; thí điểm cơ chế về quyền sở hữu và định giá kết quả nghiên cứu cho nhà khoa học... quy định cụ thể vào Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú chia sẻ, bản thân ông từng có thời gian dài công tác ở thành phố, nên vẫn có băn khoăn là Hà Nội đang ngồi trên núi vàng bởi thành phố tập trung rất nhiều trí tuệ.
"Chúng ta phát huy núi vàng ấy được bao nhiêu. Càng ngày làm càng tốt hơn thì rất đáng quý", ông Phú nói và đề nghị Hà Nội đi đầu, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút thêm các tài năng, phát huy tốt hơn nữa trí tuệ của các nhà khoa học trong quá trình phát triển.
Ông Phú cũng đề nghị lãnh đạo TP cần thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là về các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, phức tạp của TP.
"Tôi công tác ở Hà Nội gần 10 năm, yêu Hà Nội lắm. Nhưng phải nói là Hà Nội rất khó làm. Nhiều công việc nhạy cảm, phức tạp", ông Phú nói, đồng thời nhấn mạnh, phải tạo được sự đồng cảm, cộng đồng trách nhiệm giữa lãnh đạo thành phố với các chuyên gia, nhà khoa học.
Huy động trí tuệ các nhà khoa học vào xử lý ùn tắc, ô nhiễm
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng nhấn mạnh, Hà Nội cần tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đặc biệt liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập lụt khi mưa lớn...
GS.TS Hồ Tú Bảo nhấn mạnh, cần phải giải quyết những nỗi đau, bức xúc của thành phố. "Như ở bên Nhật, với các đề tài nghiên cứu khoa học lớn, họ giao cho nhà khoa học có uy tín để thành lập hội đồng, xác định nội dung nghiên cứu. Các nhà khoa học sẽ tập hợp nhau lại để cùng làm. Tôi thấy, các đề tài của họ duyệt khắt khe hơn ở Việt Nam mình", ông Bảo nêu thực tế, đồng thời cho rằng, Hà Nội nên "gắn bó" với các trường đại học nhiều hơn để có các tham vấn cho phát triển.
GS.Viện sĩ Trần Đình Long cũng nêu thực tế, Hà Nội có nhiều "đặc sản" như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mưa ngập. Ông Long đồng tình với nhận định Hà Nội là "kho vàng" với tiềm lực về nhân lực và cơ sở vật chất, nhưng hiện chưa khai thác được, và chưa ứng xử xứng tầm với nguồn lực này. Theo ông Long, Hà Nội phải xóa bỏ được lời nguyền "không vội được đâu", Hà Nội phải xác định "nói được, làm được".
Còn GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh vấn đề phân loại rác thải và xử lý rác. Nếu Hà Nội phân loại rác từ nguồn thành công, 60% lượng rác thải của Hà Nội sẽ trở thành tài nguyên để phục vụ phát triển. TP cũng cần khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, giải quyết ô nhiễm sông, hồ, xử lý rác thải điện tử... bằng các giải pháp công nghệ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến, báo cáo Thường trực, Thường vụ Thành ủy để nghiên cứu, triển khai, với mục đích huy động tối đa nguồn lực tri thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia trong quản trị, phát triển Thủ đô.
Ông Thanh nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ sẽ góp phần giúp thành phố xử lý, hóa giải các vấn đề được coi là "nỗi đau", tháo gỡ nút thắt để phát triển.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, với các vấn đề chuyên sâu như về giao thông, Hà Nội xanh, Hà Nội thông minh,... thành phố sẽ tổ chức các chuyên đề sâu để lắng nghe các ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học.
Chia sẻ thêm về công tác quản trị, phát triển TP, ông Thanh nhìn nhận, nếu mọi vấn đề không xuất phát trên nền tảng văn hóa thì không đi vào cuộc sống được. Như câu chuyện phân loại rác, thói quen mua bán ở vỉa hè... nếu không xuất phát căn cơ từ văn hóa thì rất khó thay đổi...
"Các chuyên gia, nhà khoa học cũng rất yêu Hà Nội, mong muốn đóng góp cho Hà Nội. Làm sao để họ có thể cùng lo với những nỗi lo, trăn trở của lãnh đạo thành phố, làm tăng hàm lượng trí tuệ trong các quyết sách, chủ trương của thành phố. Có cái đó, Hà Nội mạnh hơn rất nhiều.
Làm sao xóa được khoảng cách này thì sẽ khai thác được kho vàng ròng chúng ta đang sở hữu".
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú.
Trọng Phú