Hà Nội: Cắt điện, nước các hộ dân 'chây ỳ' bàn giao mặt bằng dự án Vành đai 1
UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, từ ngày 1/4 tới đây, sẽ mạnh tay cắt toàn bộ điện nước các hộ gia đình chậm trễ bàn giao mặt bằng nằm trong dự án Vành đai 1.
Mạnh tay cắt điện, nước
Trong một thông báo mới nhất, UBND quận Ba Đình khẳng định, sẽ thực hiện biện pháp mạnh đối với các trường hợp không chấp hành giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây là động thái nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường Vành đai 1 và đảm bảo trật tự đô thị của quận Ba Đình.
Theo đó, từ ngày 1/4, UBND các phường Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ sẽ phối hợp với chủ đầu tư dự án tiến hành ngừng cung cấp điện, nước đối với các hộ dân nằm trong diện GPMB nhưng chưa bàn giao theo quy định.

Các hộ dân cố tình “chây ỳ” không bàn giao mặt bằng sẽ bị cắt điện, nước từ 1/4. (Ảnh: Hưng Thịnh)
UBND quận Ba Đình cho biết, biện pháp ngừng cung cấp điện, nước không chỉ áp dụng đối với các hộ dân thuộc diện GPMB mà còn được thực hiện đối với nhiều công trình vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cụ thể, có 8 trường hợp sẽ bị xử lý gồm:
Công trình xây dựng sai quy hoạch hoặc không có giấy phép xây dựng: Áp dụng cho các trường hợp yêu cầu phải có giấy phép nhưng không có, hoặc xây dựng sai nội dung giấy phép; công trình xây dựng sai thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Công trình xây dựng sai thiết kế được phê duyệt: Áp dụng cho trường hợp được miễn giấy phép xây dựng nhưng thi công không đúng thiết kế đã được phê duyệt.
Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm: Theo quy định của pháp luật về đất đai, đã bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng không chấp hành.
Công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC): Được thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đã bị yêu cầu dừng thi công bằng văn bản nhưng không chấp hành.
Công trình thi công không đúng thiết kế PCCC đã được thẩm duyệt: Đã bị yêu cầu dừng thi công bằng văn bản nhưng không chấp hành.
Công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về PCCC: Đã đưa vào hoạt động, bị đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC: Đã bị đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành.
Công trình thuộc diện phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp: Đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.
Chi phí GPMB “khủng”
Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đi qua 2 quận Ba Đình và quận Đống Đa (Hà Nội), được mệnh danh là “tuyến đường đắt nhất hành tinh” dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025.

Vành đai 1 được ví von là “tuyến đường đắt nhất hành tinh”.
Tổng chiều dài tuyến đường là 2.274m, mặt cắt ngang 50m, thiết kế 6 làn xe cùng hai cây cầu vượt tại các nút giao quan trọng: Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành. Điểm đầu của tuyến giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại khu vực Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và kết thúc tại nút giao thông đền Voi Phục (quận Ba Đình).
Với tổng mức đầu tư gần 7.800 tỷ đồng, chi phí trung bình lên đến 3,5 tỷ đồng mỗi mét, dự án này được mệnh danh là đắt nhất hành tinh. Điều đáng nói, riêng hạng mục GPMB chiếm khoảng 6.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, không riêng dự án Vành đai 1, hàng loạt tuyến đường tại Hà Nội những năm qua đều bị dồn toa, không thể triển khai vì vướng mặt bằng. Đây được coi như một “cục máu đông” cần được đả thông của công tác đầu tư xây dựng tại Thủ đô.
Giữa tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ra “tối hậu thư”, yêu cầu các cơ quan, địa phương tập trung mọi nguồn lực để giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn GPMB.
Người đứng đầu chính quyền Thủ đô cho rằng, để làm tốt công tác GPMB, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ và chất lượng thực hiện các dự án đầu tư công. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.