Hà Nội chốt phương án khu đất vàng tại Giảng Võ và Lý Thường Kiệt

Trả lời chất vấn của các đại biểu sáng ngày 7/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Hà Nội sẽ không cho xây dựng 10 tòa chung cư 50 tầng tại khu đất rộng 6,8 ha ở Giảng Võ mà điều chỉnh chức năng khu đất làm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trả lời chất vấn.

Trong phiên chất vấn sáng ngày 7/7 của kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa XVI, HĐND Thành phố, các đại biểu đã đặt câu hỏi về dự án 148 Giảng Võ (quận Ba Đình) và dự án 31-33-35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).

Cụ thể, đại biểu Lê Minh Đức (Thạch Thất) chất vấn, ngay sau khi thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì Ban chỉ đạo đã giao thành lập tổ giám sát các công trình chậm triển khai, nhưng đến nay vẫn có nhiều dự án dù chậm triển khai nhưng chưa bị thu hồi chẳng hạn như dự án 148 Giảng Võ, quận Ba Đình sau nhiều năm phê duyệt vẫn để không.

Trả lời nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án tại 148 Giảng Võ (phường Giảng Võ, Ba Đình) đã có chủ trương chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ, văn hóa.

Trước đó vào năm 2016, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (tại quyết định 3560) khu đất 6,8 ha, số 148 Giảng Võ với quy mô 10 tòa chung cư cao 50 tầng. Cùng thời gian này, UBND TP cũng phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư (tại quyết định số 4205).

“Thời điểm đó, mặc dù xác định 148 Giảng Võ là điểm nhấn tại khu vực nội đô lịch sử nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP cũng như ý kiến của các bộ ngành và dư luận xã hội thì đến ngày 7-3-2019, UBND TP đã có quyết định 1441 thu hồi quyết định 4205/2016 về chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, tại khu vực này sẽ không xây dựng quy mô 10 tòa nhà cao 50 tầng nữa” - ông Tuấn nói.

Khu vực dự án tại 148 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, thay vào đó, khu vực này sẽ được làm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa. Và chỉ đề xuất chức năng hỗn hợp như khách sạn, văn phòng, thương mại để đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới UBND TP sẽ chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực này để đưa về đúng chức năng như nêu trên. Sau khi điều chỉnh lại quy hoạch 1/500, thì sẽ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nhà đầu tư cam kết, sau khi các thủ tục trên hoàn thiện sẽ tiến hành đầu tư ngay.

“Theo đánh giá của UBND TP việc điều chỉnh 10 tòa nhà 50 tầng về làm chức năng trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng … là rất phù hợp. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh trường hợp các vướng mắc pháp lý để dự án chậm tiến độ, lãng phí quỹ đất”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm các thủ tục này sẽ được hoàn thành trong năm 2022, để năm 2023 dự án sẽ khởi công, và hoàn thiện với thời gian kéo dài tối đa 3 năm.

Nói về dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc số 31, 33, 35 phố Lý Thường Kiệt là dự án "đất vàng" chỉ cách Hồ Gươm vài trăm mét, với diện tích 2.300m2, dự án này được UBND TP quyết định giao đất từ năm 2019, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tây Hồ) đề nghị sở ngành cho biết dự án này và các dự án khác được giám sát như thế nào khi đến nay vẫn chậm tiến độ, chưa triển khai, trách nhiệm của của các đơn vị có liên quan là như thế nào?

Liên quan đến dự án tại số 31-33-35 Lý Thường Kiệt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay UBND TP đã có Quyết định số 7509 năm 2015, giao khu đất hơn 2.254 m2 cho tập đoàn T&T.

Theo quy hoạch chi tiết của quận Hoàn Kiếm 1/2000 trước đây thì khu vực này tuyệt đối không được gắn chức năng ở, không được gia tăng hạ tầng kỹ thuật, xã hội… phải đáp ứng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực xung quanh. Tổ hợp kiến trúc 31-33-35 Lý Thường Kiệt được xác định chức năng công trình là trụ sở văn phòng ngân hàng SHB, phù hợp với định hướng quận Hoàn Kiếm là trung tâm dịch vụ tài chính của TP. Lô đất này cũng nằm ngoài khu vực hồ Gươm và phụ cận. Theo đó, Sở QHKT và quận Hoàn Kiếm đang xây dựng đồ án thiết kế đô thị để chậm nhất quý I-2023 sẽ trình UBND TP xem xét.

Sau khi xin ý kiến của các đơn vị có liên quan, Hà Nội dự kiến 2 phương án: Phương án 1, nếu đồng ý các quy định hiện hành thì có thể xây luôn 8 tầng. Phương án 2, xem xét đồ án thiết kế đô thị trên phố Lý Thường Kiệt để quyết định phương án quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.

“Đây là công trình đóng góp có giá trị cho nội đô lịch sử nên sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, xác định nội dung quy mô phù hợp. Tránh để đất đai lãng phí”- ông Tuấn nói.

PV/HANOITV

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/ha-noi-chot-phuong-an-hai-khu-dat-vang-tai-giang-vo-va-ly-thuong-kiet-d202614.html