Hà Nội: Chủ động các phương án bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt trong dịp hè năm 2023

Vào mùa hè, nhiệt độ trung bình ngày tăng cao, các đợt nắng nóng kỷ lục liên tục xuất hiện khiến nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao. Nhằm bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định cho người dân Thủ đô trong dịp hè năm 2023, các đơn vị chức năng của Thành phố Hà Nội đã chủ động lên phương án vận hành khai thác nguồn và điều tiết mạng cấp nước.

Nhiều khu vực cuối nguồn, khu vực cốt địa hình cao vẫn có nguy cơ thiếu nước trong dịp cao điểm hè.

Nhiều khu vực cuối nguồn, khu vực cốt địa hình cao vẫn có nguy cơ thiếu nước trong dịp cao điểm hè.

Một số khu vực có thể thiếu nước

Đánh giá chung về hiện trạng cấp nước hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Thành phố Hà Nội đạt khoảng 1.530.000m3/ngày đêm. Trong đó, 3 nguồn cấp lớn là Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội công suất khoảng 550.000m3/ngày đêm và có thể khai thác bổ sung 100.000-110.000m3/ngày - đêm; Nhà máy Nước mặt sông Đà (giai đoạn 1) công suất 300.000m3/ngày đêm. Năm 2022, cung cấp cho Hà Nội trung bình khoảng 292.222m3/ngày đêm; Nhà máy Nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) công suất 300.000m3/ngày đêm (có thể nâng công suất lên 360.000m3/ngày đêm). Năm 2022, công suất bình quân của Nhà máy khoảng 218.000m3/ngày đêm.

Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, với tổng công suất các nguồn cấp hiện nay có thể đạt trên 1.530.000m3/ngày đêm là cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân trong phạm vi cung cấp của hệ thống cấp nước. Dự kiến thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè năm nay nhu cầu sử dụng nước là khoảng 1.250.000-1.350.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị, đặc biệt khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông đang sử dụng nguồn từ nhà máy nước mặt sông Đà, trong khi công suất nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 hiện nay đã chạy theo công suất thiết kế trung bình và giá mua buôn nước sạch từ nguồn nước sạch sông Đuống cao hơn nguồn nước sạch sông Đà.

Khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà cung cấp theo công suất thiết kế trung bình của nhà máy mà không đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong phạm vi cấp nước của Nhà máy hoặc gián đoạn cấp nước (trường hợp sự cố) sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ đặc biệt là tại khu vực cuối nguồn, khu vực cốt địa hình cao, những khu vực sử dụng nguồn của nhà máy nước mặt sông Đà như (Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai...).

Người dân nên có trách nhiệm tiết kiệm nước hàng ngày, chỉ sử dụng lượng nước cần thiết và tránh lãng phí.

Người dân nên có trách nhiệm tiết kiệm nước hàng ngày, chỉ sử dụng lượng nước cần thiết và tránh lãng phí.

Chủ động lên các phương án khắc phục sự cố

Để đảm bảo duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất khoảng 1.370.000 -1.530.000 m3/ngày đêm, Công ty Nước sạch Hà Nội cần duy trì sản lượng nước sản xuất là: 550.000 m3/ngày đêm và dự phòng có thể bổ sung 100.000 - 110.000 m3/ngày đêm (trong đó nước ngầm là 400.000m3/ngày đêm; nguồn nước mặt từ Nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì là 150.000m3/ngày đêm); Bổ sung nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống, sông Đà khoảng 100.000-130.000m3/ngày đêm. Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng, gây thiếu nước, mất nước cục bộ. Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội triển khai phương án cấp nước an toàn, vận hành khai thác công suất dự phòng, khai thác nguồn nước ngầm dự trữ (trong phương án giảm ngầm) nhằm đảm bảo đáp ứng đủ, nhu cầu của người dân trong phạm vi quản lý (giai đoạn trước mắt) khi các nguồn nước tập trung chưa hoàn thành. Điều tiết giảm sản lượng sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống (khu vực nội đô) để ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống cung cấp cho phạm vi cấp nước do Công ty Cổ phần Viwaco và Công ty nước sạch Hà Đông.

Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco: Tập trung đầu tư bổ sung cải tạo các công trình đầu mối đảm bảo duy trì an toàn hệ thống cấp nước với sản thiết kế trung bình ngày 300.000m3/ngày đêm; duy trì vận hành trạm điều tiết Tây Mỗ đảm bảo vận hành hệ thống cấp nước sông Đà đạt công suất 300.000m3/ngày đêm; bổ sung các giải pháp kỹ thuật cần thiết và vận hành nhà máy với công suất ngày max theo thiết kế, vận hành điều tiết hệ thống mạng lưới đáp ứng nguồn cho các khách hàng trong phạm vi dự án trong thời gian cao điểm.

Đồng thời khẩn trương triển khai giai đoạn 2 của dự án nâng công suất nhà máy lên 600.000m3/ngày đêm. Giai đoạn trước mắt nghiên cứu phương án bổ sung công nghệ, điều chỉnh quy trình quản lý vận hành... nâng công suất nhà máy lên 350.000 - 400.000m3/ngày đêm nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của khách hành trong phạm vi cấp nước của nhà máy.

Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống: Điều tiết tối đa nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đuống với công suất 300.000m3/ngày đêm để cung cấp nước cho các khu vực khách hàng trong phạm vi dự án.

Khi có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đà, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco: Duy trì vận hành tối ưu nhà máy nước sạch sông Đà và van điều tiết đảm bảo tuyến ống truyền dẫn số 1, sẵn sàng đấu nối bổ sung sử dụng đoạn tuyến số 2 đã hoàn thành.

Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, vật liệu, ống dự phòng, phương tiện, thiết bị và nhân lực thi công thực hiện sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ ống để cung cấp nước cho nhân dân nhanh nhất. Thời gian sửa chữa, khắc phục không kéo dài quá 10 giờ/1 điểm vỡ.

Vận hành Trạm điều tiết Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm điều tiết đến vành đai 3 để duy trì nguồn cấp cho khu vực nội đô và tăng áp, bổ sung lưu lượng cấp nước cho khu vực khi sửa chữa, bảo dưỡng tuyến số 1 sông Đà; bổ sung công trình thu, trạm bơm nước thô từ sông Đà (khi mực nước thấp) để lấy nước cho nhà máy hoạt động; cải tạo kênh dẫn nước thô đảm bảo ổn định cấp nước, vận hành nhà máy với công suất ngày max...

Công ty Cổ phần Viwaco: Phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà điều tiết, sử dụng nguồn nước sạch 30.000m3 từ bể chứa trạm điều tiết Tây Mỗ để điều tiết cấp nước cho các khu vực.

Phối hợp với Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống để điều tiết sử dụng tối đa nguồn nước sạch sông Đuống cho đơn vị tại các điểm kết nối hỗ trợ cấp nước giữa các đơn vị nhằm đảm bảo việc cấp nước ổn định.

Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội: Triển khai phương án khai thác nguồn cấp dự phòng, điều tiết bổ sung nguồn cấp cho Công ty cổ phần Viwaco tại các điểm kết nối hỗ trợ: Vận hành van hỗ trợ cấp nước sang Viwaco qua điểm số 1 - đồng hồ S6 - Linh Đàm (Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ), điểm số 5 - đồng hồ tại nút Big C, điểm số 7-lắp đặt lại đồng hồ (Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ).

Khi có sự cố hoặc bảo dưỡng, sửa chữa đường ống truyền dẫn của Nhà máy nước mặt sông Đuống: Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống xây dựng phương án sửa chữa khắc phục sự cố đường ống truyền tải nước mặt sông Đuống, đặc biệt các đường ống qua sông để đảm bảo kế hoạch cấp nước an toàn, xây dựng phương án cấp nước giảm thiểu ảnh hưởng do thiếu nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đuống; Đưa vào vận hành đoạn tuyến ống số 2 đã hoàn thành.

Công ty nước sạch Hà Nội: Triển khai phương án khai thác nguồn cấp nước dự phòng, phát huy tối đa công suất thiết kế để bổ sung nguồn thiếu hụt từ nhà máy nước mặt sông Đuống.

Công ty Cổ phần nước đầu tư nước sạch sông Đà: Tăng công suất, bổ sung nguồn cấp cho Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, bù đắp nguồn nước sạch từ nhà máy nước mặt sông Đuống.

Chia sẻ về kế hoạch cung cấp nước sạch cho mùa hè năm 2023, ông Lưu Viết Thịnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết: Hệ thống cấp nước Sông Đà có công suất 600.000 m3/ngày đêm được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I công suất 300.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành và được đưa vào vận hành từ năm 2009 đến nay. Từ đầu năm đến nay, Công ty đang cung cấp cho Hà Nội trung bình khoảng 300.000 m3/ngày đêm và đã chạy hết công suất thiết kế của Nhà máy.

Vào mùa hè với những đợt nắng nóng, nhu cầu sử dụng cao nhất trong năm. Để đảm bảo duy trì cấp nước an toàn Công ty Viwasupco đã xây dựng trạm bơm khẩn cấp ngoài Sông Đà để chủ động nguồn nước cho sản xuất mà không phụ thuộc vào việc vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Hoàn thành công tác bảo trì các thiết bị, mua sắm các vật tư dự phòng để có thể vận hành an toàn tối đa công suất thiết kế của Nhà máy để cấp nước hè năm 2023. Đối với một số khu vực cuối nguồn nước Sông Đà thuộc vùng cấp nước giáp gianh giữa các hệ thống cấp nước/nguồn nước, Công ty Viwasupco sẽ phối hợp với các công ty phân phối và các đơn vị cấp nguồn khác điều tiết lưu lượng tốt nhất có thể để cấp cho khu vực thiếu nước trong các giờ, các ngày dùng nước lớn nhất trong mùa hè.

Để khắc phục nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nước trong mùa hè tại khu vực cuối nguồn, khu vực cốt địa hình cao, ông Lưu Viết Thịnh chia sẻ: Nhà máy nước Sông Đà có tuyến truyền tải dài 46km và tự chảy từ các bể chứa điều hòa để cấp cho các khách hàng. Đơn vị phân phối có vùng dịch vụ cấp nước sử dụng nhiều nước từ Nhà máy Nước sạch Sông Đà nhất là Công ty Cổ phần Viwaco, đơn vị này ở cuối nguồn của tuyến ống truyền tải, còn lại là các khách hàng khác dọc hai bên tuyến ống truyền tải. Hiện Nhà máy nước Sông Đà đã chạy tối đa công suất thiết kế vào các giờ cao điểm, còn các giờ thấp điểm Công ty sẽ phối hợp với các Công ty phân phối để điều tiết mạng lưới để có thể đưa nước đến vùng bị thiếu nước cục bộ, đồng thời để tích nước vào các bể chứa để kịp thời điều tiết cấp nước vào các giờ cao điểm.

Việc luôn vận hành hết công suất của Nhà máy và duy trì trong thời dài sẽ có nguy cao sự cố đối với các thiết bị, đường ống cốt sợi thủy tinh. Công ty đã chuẩn bị mua các vật tư dự phòng thay thế cho các thiết bị và vật tư cho công tác khắc phục sự cố đường ống có thể xảy ra. Nhanh chóng khắc phục sự cố để vận hành cấp nước trở lại. Phối cùng các Công ty phân phối để điều tiết lấy nước theo giờ để giảm sức ép vận hành lên hệ thống, giảm thiểu nguy cơ sự cố đặc biệt trên đường ống cốt sợi thủy tinh có thể xảy ra gây mất nước trên diện rộng.

Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà mong muốn, người dân nên có trách nhiệm tiết kiệm nước hàng ngày, chỉ sử dụng lượng nước cần thiết và tránh lãng phí. Hành động tiết kiệm nước, dù nhỏ - nhưng sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

Khánh Hòa – Thảo Phương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-chu-dong-cac-phuong-an-bao-dam-nhu-cau-nuoc-sinh-hoat-trong-dip-he-nam-2023-353985.html