Hà Nội: Chưa hết lo với thực phẩm không an toàn
Kết quả giám sát an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp Hà Nội mới đây cho thấy nhiều mối lo, khi vẫn còn nhiều mẫu nông sản chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã lấy tổng số 821 mẫu nông sản để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Công tác lấy mẫu, giám sát tập trung vào những nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ mất an toàn cao.
Đến nay, cơ quan chức năng đã có kết quả phân tích của 736/821 mẫu. Trong đó, 691/736 mẫu đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ gần 94%); 45/736 mẫu vi phạm (chiếm khoảng 6%). Tín hiệu tích cực là con số này giảm so với cùng kỳ năm 2020 (7,7%).
Trong số 45 mẫu chưa bảo đảm an toàn, có 12 mẫu thịt phát hiện vi sinh Salmonella; 6 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; 7 mẫu sử dụng chất bảo quản không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm; 18 mẫu phát hiện chất cấm Chlormaphenicol, Leucomalachite Green, Enrofloxacin. Ngoài ra, còn có 2 mẫu chế biến chứa chất cấm Hàn the (Borat).
Với những mẫu được xác định có vi phạm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã tiến hành cảnh báo nguy cơ. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục, tiến hành truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân. Từ đó, có cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng để phòng tránh, không sử dụng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, an toàn thực phẩm là vấn đề được TP rất quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, an toàn sức khỏe của người dân là yếu tố hết sức quan trọng.
Chính vì vậy trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm trên diện rộng; phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm. Cùng với đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo hình thức đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các cơ sở có vi phạm.
Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm. Nâng cao hoạt động quản lý Nhà nước về tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời, kiện toàn và tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm từ TP đến quận, huyện, thị xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-chua-het-lo-voi-thuc-pham-khong-an-toan-440145.html