Hà Nội chuyển phương tiện sử dụng năng lượng sạch - cần đột phá đồng bộ
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa được mục tiêu dừng hoạt động xe mô tô, gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong phạm vi Vành đai 1 (Hà Nội) phải có những đột phá mạnh mẽ trong đầu tư hạ tầng giao thông cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, vì từ nay đến 1/7/2026 không còn nhiều.
Theo Chỉ thị 20 ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1. Chỉ thị nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí trên địa bàn Thủ đô ngày càng nghiêm trọng.
Trước thông tin này, bà Trần Thị Hoa, ở phường Ô Chợ Dừa chia sẻ: "Nếu chúng ta hạn chế được xe máy vào nội đô thì sẽ bảo đảm được môi trường trong sạch hơn và tất nhiên có lợi cho sức khỏe"
Còn với ông Trần Văn Quân, ở phường Bạch Mai, Hà Nội cho biết: "Tôi ủng hộ chủ trương hạn chế xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào khu vực nội đô có lộ trình. Và phải có chuẩn bị kỹ lưỡng từ tài chính đến các chính sách…".

Hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 9,2 triệu phương tiện giao thông các loại đang hoạt động.
Đảm bảo lộ trình đặt ra, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý III/2025). Cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện.
Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
Ủng hộ chủ trương dừng hoạt động xe mô tô, gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực nội đô, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, giao thông, quản lý đô thị cho rằng, điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, hướng tới phát triển bền vững và xây dựng đô thị phát thải thấp.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá: "Nếu chúng ta có sự chuẩn bị thật tốt, tức chúng ta không chỉ cấm, mà chúng ta cần có những chính sách đồng bộ để để chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe máy điện…".
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa được mục tiêu dừng hoạt động xe mô tô, gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong phạm vi Vành đai 1, thành phố Hà Nội phải có những đột phá mạnh mẽ trong đầu tư hạ tầng giao thông cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, bởi thời gian từ nay đến 1/7/2026 không còn nhiều.
Thực tế cho thấy, hiện hạ tầng giao thông đô thị của thành phố Hà Nội còn nhiều yếu kém, trong khi hệ thống vận tải hành khách công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị) chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với đó là những chính sách đặc biệt để hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe máy điện, đảm bảo sinh kế cho người dân.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích: "Chúng ta thấy xe máy vào vùng nội đô, nhất là vùng nội đô lịch sử rất lớn. Điều này cũng ảnh hưởng đến môi trường, lưu lượng giao thông. Nhưng đây là phương tiện phù hợp với người dân và để người dân ra ngoài hợp lý thì phải có phương tiện giao thông công cộng".

Chỉ tính riêng trong khu vực Vành Đai 1 Hà Nội đang có khoảng 2,5 triệu xe máy xăng của người dân.
Phát biểu trong buổi làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) ngày 9/6 vừa qua, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc triển khai vùng phát thải thấp, hạn chế xe máy xăng tại một số khu vực là không thể trì hoãn và thành phố sẽ nghiên cứu với cả ô tô chứ không chỉ với xe máy. Theo đó, Hà Nội sẽ triển khai vùng phát thải thấp với các bước thực hiện được xem xét kỹ lưỡng; khẳng định thành phố sẽ nỗ lực cao nhất trong việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện, vì một thành phố xanh sạch đẹp, văn minh.
Theo ông Thanh: "Không làm bây giờ không bao giờ làm được. Nếu không quyết tâm thì không biết khi nào Hà Nội mới phát triển đô thị văn minh, sạch đẹp được như các thành phố lớn của Nhật Bản cũng như các nước trên thế giới. Một đô thị không thể hiện đại được, không thể có một môi trường tốt được nếu phát triển xe máy như hiện nay".
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 9,2 triệu phương tiện giao thông các loại đang hoạt động. Trong đó, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô, trên 6,9 triệu xe máy và phần lớn trong số số đó là phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (chạy bằng xăng, dầu).