Hà Nội có 154 tuyến xe buýt đang hoạt động, bao giờ chuyển hết sang xe điện?
Phát triển mạng lưới giao thông công cộng trong đó có các tuyến xe buýt hiện đại, linh hoạt là một trong những giải pháp quan trọng được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm nhằm giải 'bài toán' ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị.
Báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết toàn TP hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour (phục vụ khách du lịch đi tham quan Thủ đô).
Mạng lưới xe buýt ngày càng lớn
Toàn Thành phố đang có 4.405 điểm dừng, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm, ngoại thành là 1,1 điểm/km2. Các tuyến buýt trở thành lựa chọn phổ biến, phục vụ hàng trăm triệu lượt khách di chuyển mỗi năm.
Mạng lưới xe buýt tại Hà Nội cũng đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, đạt 67%; 65/75 bệnh viện, đạt 87%; 27/27 các khu công nghiệp lớn, đạt 100%; 33/37 khu đô thị, đạt 89,2%; 23/24 làng nghề, đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, đạt 92%.
Đáng chú ý, không chỉ hoạt động trên địa bàn TP, xe buýt Thủ đô hiện đã kết nối với 7 tỉnh lân cận, gồm Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), cho hay trong nửa đầu năm 2024, tổng hành khách vận chuyển của công ty ước đạt khoảng 118 triệu lượt, chiếm 60% sản lượng vận chuyển toàn TP.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Transerco đã phối hợp với Sở GTVT Hà Nội rà soát biểu đồ chạy xe và thực điều chỉnh giảm dịch vụ giai đoạn 1 cho 25 tuyến, nhánh tuyến từ ngày 1/1/2024; giai đoạn 2 dừng hoạt động 3 tuyến buýt từ ngày 1/4/2024.
Công ty cũng chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh lộ trình 5 tuyến buýt nhằm thuận tiện cho công tác vận hành, tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt, mở rộng vùng phục vụ; điều chỉnh biểu đồ 34 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông của TP. Kết quả, sau điều chỉnh, tỷ lệ hành khách /lượt xe tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm trước (không bao gồm khách sử dụng vé miễn phí).
Nỗ lực đổi mới, nâng cấp
Bên cạnh hoạt động vận chuyển hành khách thuần túy, các tuyến buýt Hà Nội cũng đang liên tục đổi mới, nâng cấp, từ đó mở rộng phạm vi phục vụ hành khách, một trong điểm nhấn nổi bật là các tuyến buýt phục vụ khách du lịch tham quan TP.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, các tuyến chở khách du lịch bằng xe buýt 2 tầng (City tour) đã dần trở thành một trong những “đặc sản” du lịch của Thủ đô, điểm nhấn ấn tượng cho nhiều du khách khi ghé thăm Hà Nội.
Vào ngày 30/5/2018, tuyến xe buýt 2 tầng Hanoi City Tour Hop on- Hop off chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng tại Hà Nội nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước có nhu cầu tham quan phố phường và các địa danh du lịch nổi tiếng của Thủ đô với chất lượng dịch vụ cao cấp, hiện đại.
Với hệ thống thuyết minh bằng 10 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp...) trên nền tảng GPS, những nội dung về các địa danh lịch sử, phố phường trên hành trình, các tuyến buýt City tour góp phần giúp du khách tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuyến xe buýt này đang dần trở thành một điểm nhấn trong bức tranh du lịch của Hà Nội.
Cũng cần phải nói thêm, các tuyến buýt hiện cũng đóng vai trò kết nối với các tuyến đường sắt đô thị, hình thành một mạng lưới giao thông công cộng liền mạch, linh hoạt trên địa bàn TP, tạo thuận lợi nhất có thể cho người dân.
Gần nhất, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Thành phố có 36 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị này.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh hệ thống các tuyến xe buýt phù hợp, kết nối thuận tiện với hệ thống đường sắt Thủ đô sẽ thúc đẩy người dân lựa chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hướng tới 100% xe điện
Trong nỗ lực đổi mới, hoàn thiện mạng lưới xe buýt, TP Hà Nội đang đặt mục tiêu thay thế 100% xe buýt chạy dầu diesel bằng xe buýt điện trong giai đoạn 2031-2035.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện và năng lượng xanh. Đây là một phần trong nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội tại thủ đô.
Theo đề án này, từ năm 2026 đến 2030, Hà Nội sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy bằng LNG (khí dầu mỏ hóa lỏng) hoặc CNG (khí thiên nhiên có thành phần chính là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), với tổng kinh phí dự kiến là 43.000 tỷ đồng
Các tuyến xe buýt trong khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) sẽ được chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến xe buýt mới sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện và năng lượng xanh. Ngoài ra, tất cả các xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu sẽ được thay thế.
Đối với các xe buýt còn khấu hao dưới 10 năm từ ngày sản xuất, chúng sẽ được sử dụng đến hết khấu hao trước khi chuyển sang xe buýt xanh. Trong giai đoạn từ 2024 đến 2030, tỉ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh dự kiến đạt từ 70-90%, và đến giai đoạn từ 2031-2035, mục tiêu là 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe buýt điện.
Hiện tại, Hà Nội dành khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.
Việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt tại Hà Nội sang sử dụng xe buýt điện và năng lượng xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, tạo nên một hệ thống giao thông bền vững và hiệu quả hơn cho thủ đô.