Hà Nội có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Hiện nay thành phố Hà Nội có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” (Chương trình số 02), nhiều nhiệm vụ, tiêu chí trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, huy động nguồn lực của Hà Nội đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.
Đến nay, toàn thành phố có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 325/386 xã (chiếm tỷ lệ 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn rất nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%), vượt kế hoạch 2 năm so với mục tiêu của Chương trình số 02, bình quân đạt 18,64 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Về phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, mặc dù thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, song sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010 - 2018 vẫn tăng trưởng và phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.
Hà Nội luôn xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn thành phố đã dồn điền đổi thửa được gần 80 nghìn ha, đạt 104,6 % so với kế hoạch. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa cũng đạt trên 99%.
Toàn thành phố có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang dần khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Cùng với phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đời sống người nông dân cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao qua các năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đã đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,81%. Một số huyện hiện có tỷ lệ hộ nghèo thấp dưới 1% như: Quốc Oai 0,46%, Gia Lâm 0,56%, Hoài Đức 0,92%... Hệ thống y tế cơ sở, giáo dục, thiết chế văn hóa... ngày càng được củng cố và nâng cao, góp phần quan trọng cải thiện đời sống cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình số 02, ngoài việc lựa chọn xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) làm điểm, Hà Nội đã chọn 18 xã đại diện thuộc 18 huyện, thị xã làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới; phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 – 2020, định hướng 2030.
Thành ủy Hà Nội đã tổ chức trên 55 cuộc kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã, sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; đồng thời ban hành 23 văn bản chỉ đạo thực hiện và trên 30 thông báo kết luận kiểm tra thực tế và họp giao ban hàng quý của Ban chỉ đạo Chương trình. Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã ban hành 14 nghị quyết triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời thông qua kế hoạch phân bổ kinh phí đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mức tăng năm sau luôn cao hơn năm trước. Thành phố cũng đã ban hành trên 125 kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình.
“Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí. Ngoài ra, các quận trên địa bàn có điều kiện tốt hơn đã tích cực hỗ trợ các huyện còn khó khăn với tổng kinh phí 633 tỷ đồng; trong đó riêng quận Thanh Xuân đã hỗ trợ trên 300 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm.
Theo kế hoạch trong thời gian tới, đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3 – 3,5%/năm trở lên, phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Ngoài ra, toàn thành phố phấn đấu có 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 75% triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 98%...