Hà Nội có thêm 518 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên
Sáng ngày 14/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đã công nhận kết quả đánh giá phân hạng năm 2022 cho 518 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đại, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội; Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội; Đại diện các Sở, Ban ngành, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP. Hà Nội; lãnh đạo các quận/huyện trên địa bàn Thành phố, cùng đông đảo các chủ thể có sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng năm 2022.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, với những tiềm năng và lợi thế đặc thù của “vùng đất trăm nghề”, nơi tinh hoa hội tụ, phát huy vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của đất nước, trong năm 2022, Hà Nội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 518 sản phẩm của 191 chủ thể. Trong đó có49 chủ thể là doanh nghiệp, có 169 sản phẩm, chiếm 32,6%; 39 chủ thể là Hợp tác xã, có 100 sản phẩm, chiếm 19,3%; 103 chủ thể là hộ kinh doanh có 249 sản phẩm, chiếm 48,1%. Có 220 sản phẩm OCOP từ làng nghề, làng có nghề, chiếm 42,5%. Đã có 13 sản phẩm xuất khẩu hàng sang thị trường Úc, Châu Âu, Nhật Bản, như sản phẩm của công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc.
Để có được kết quả đó, căn cứ các tiêu chí, các văn bản hướng dẫn hiện hành của Trung ương và Hà Nội, Hội đồng OCOP Thành phố, cùng đại diện các quận/huyện, các đơn vị tư vấn đã tổ chức 13 hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Cụ thể trong số 518 sản phẩm của 26 quận/huyện, có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do hết thời hạn 36 tháng. Chia theo ngành sản phẩm gồm có: ngành thực phẩm chế biến 225 sản phẩm chiếm 43,4%; , thực phẩm tươi sống 76 sản phẩm, chiếm 14,7%; ngành đồ uống 12 sản phẩm, chiếm 2,3%; ngành thảo dược 22 sản phẩm, chiếm 4,2%; ngành thủ công mỹ nghệ 168 sản phẩm, chiếm 32,4%; ngành vải may mặc 13 sản phẩm, chiếm 2,5%; ngành Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch 02 sản phẩm, chiếm 0,4%, gồm Điểm du lịch Green Park, Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân; riêng 02 sản phẩm OCOP du lịch được đánh giá tại hiện trường, đánh giá tại thực địa rất chi tiết theo bộ tiêu chí số 26, đây cũng là 02 sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của Thành phố.
Dưới sự chủ trì của đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội, sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ tài liệu và kiểm tra các sản phẩm, đại diện các Sở, Ban ngành, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đã thống nhất thông qua kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022 với 518 sản phẩm của 191 chủ thể tại 26 quận/huyện đã được Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội và các cơ quan xem xét thẩm định nêu trên.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội hoàn thiện biên bản hội nghị lần 2, hoàn thiện hồ sơ theo quy định làm cơ sở trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt 518 sản phẩm OCOP năm 2022, trong đó có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao và 246 sản phẩm 3 sao.
Tại Hội nghị, đại diện các Sở, Ban ngành, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội và lãnh đạo các quận/huyện đã tập trung phân tích đánh giá những tác động tích cực và ý nghĩa to lớn của Chương trình OCOP đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống của người dân ở các làng nghề và địa bàn có sản phẩm OCOP được công nhận. Đặc biệt, Chương trình OCOP đã giúp cho các quận/huyện và chủ thể không ngừng đổi mới sáng tạo quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đổi mới phương thức tiệp cận thị trường…góp phần nâng cao vị thế hàng hóa, nông sản Việt, cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Các đại biểu cũng đánh giá cao, những nỗ lực của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội, các đơn vị tư vấn trong công tác xây dựng quy trình, lựa chọn phần mềm, hướng dẫn triển khai, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP một cách khoa học, công tâm, khách quan và chuyên nghiệp. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cho Chương trình OCOP của Hà Nội trong thời gian vừa qua đạt những kết quả tịch cực cả về số lượng và chất lượng, được các cơ quan ban ngành ở Trung ương, các tỉnh bạn, người tiêu dùng trong và ngoài Thành phố đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nêu một số khó khăn bất cập và đề xuất những giải pháp để thúc đẩy Chương trình OCOP của Thành phố ngày càng thiết thực hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu phát triển Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội với tư cách là đơn vị chủ trì giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội đã tiếp thu, giải trình và làm rõ một số nội dung được các đại biểu quan tâm đề xuất.
Theo đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cảm ơn sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả của các Sở, Ban ngành, các thành viên Hội đồng, lãnh đạo các quận/huyện, các đơn vị tư vấn và các chủ thể trong việc lựa chọn được 518 sản phầm tiêu biểu của địa phương, đảm bảo đúng các tiêu chí và quy trình đánh giá khách quan, công tâm, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, khẳng định Chương trình OCOP nhằm phát huy những bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống, lợi thế địa phương; tôn vinh những sáng tạo của người lao động, nghệ nhân của các làng nghề; một bước xác lập chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất và toàn xã hội nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cũng đã nêu những giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP của Hà Nội trong thời gian tới theo hướng phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị gắn với du lịch, dịch vụ góp phần thúc đẩy mục tiêu xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp với các Sở ngành có liên quan, các quận/huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng để tăng uy tín, thương hiệu của sản phẩm hàng hóa, nông sản, phù hợp với các quy định hiện hành đáp ứng yêu cầu tiêu dùng an toàn của người dân và xuất khẩu. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội sẽ khẩn trương rà soát các văn vản, các quy định hiện hành để tham mưu cho Thành phố ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các chủ thể OCOP và văn bản hướng dẫn triển khai Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ban hành theo Quyết định 148/QĐ - TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND Thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt các Sở, Ban ngành, các quận, huyện, thị xã và các xã, các chủ thể trong việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022 với 518 sản phẩm của 191 chủ thể trên địa bàn 26 quận/huyện đã minh chứng cho những nỗ lực đó.
Đồng chí cũng yêu cầu các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận phải tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển. Đồng thời, các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Để làm tốt hơn nữa công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cũng như lan tỏa những giá trị tích cực của sản phẩm OCOP trong cộng đồng, đồng chí Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, yêu cầu phát triển nông nghiệp Hà Nội phải lồng ghép với mục tiêu phát triển du lịch và dịch vụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
“Sản phẩm OCOP của Hà Nội phải thực sự là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu nhất cho văn hóa và lợi thế của từng địa phương nhưng phải gắn với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Muốn vậy, khi xem xét đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP phải tính đến yêu cầu quy hoạch các vùng chuyên canh và chọn lọc công nghệ phù hợp. Ưu tiên các sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm bảo vệ môi trường sinh thái, gắn kết với du lịch và dịch vụ…”, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; Tăng cường các điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP; Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo sản phẩm OCOP tại các địa phương; Thường xuyên kiểm tra đánh giá lại chất lượng sản phẩm OCOP; Liên kết hợp tác phát triển các thương hiệu giữa các địa phương, giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ, PHÂN HẠNG 518 SẢN PHẨM OCOP 2022
1. Huyện Quốc Oai: 31 sản phẩm của 18 chủ thể, trong đó: 16 sản phẩm 4 sao, 15 sản phẩm 3 sao.
2. Huyện Mỹ Đức: 16 sản phẩm của 05 chủ thể, trong đó: 09 sản phẩm 4 sao, 07 sản phẩm 3 sao.
3. Huyện Hoài Đức: 27 sản phẩm của 13 chủ thể, trong đó: 14 sản phẩm 4 sao, 13 sản phẩm 3 sao.
4. Huyện Ứng Hòa: 23 sản phẩm của 09 chủ thể, trong đó: 11 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao.
5. Huyện Ba Vì: 37 sản phẩm của 15 chủ thể, trong đó: 12 sản phẩm 4 sao, 25 sản phẩm 3 sao.
6. Huyện Thanh Oai: 29 sản phẩm của 09 chủ thể, trong đó: 23 sản phẩm 4 sao, 06 sản phẩm 3 sao.
7. Huyện Phúc Thọ: 09 sản phẩm của 04 chủ thể, trong đó: 04 sản phẩm 4 sao, 05 sản phẩm 3 sao.
8. Huyện Phú Xuyên: 40 sản phẩm của 10 chủ thể, trong đó: 36 sản phẩm 4 sao, 04 sản phẩm 3 sao.
9. Huyện Đan Phượng: 23 sản phẩm của 07 chủ thể, trong đó: 03 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao.
10. Huyện Gia Lâm: 30 sản phẩm của 11 chủ thể, trong đó: 17 sản phẩm 4 sao, 13 sản phẩm 3 sao. Gia Lâm có 01 sản phẩm OCOP du lịch là Điểm du lịch Green Park của Công ty cổ phần Phù Đổng Green Park thuộc địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; theo số liệu thống kê năm 2022 Điểm du lịch Green Park đã đón trên 25.000 lượt khách (đối tượng chủ yếu là khách gia đình và học sinh sinh viên) đến thăm quan, trải nghiệm.
11. Huyện Thanh Trì: 26 sản phẩm của 08 chủ thể, trong đó: 18 sản phẩm 4 sao, 08 sản phẩm 3 sao.
12. Thị xã Sơn Tây: 11 sản phẩm của 03 chủ thể, trong đó: 11 sản phẩm 4 sao.
13. Huyện Mê Linh: 20 sản phẩm của 05 chủ thể, trong đó: 09 sản phẩm 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao.
14. Huyện Đông Anh: 40 sản phẩm của 12 chủ thể, trong đó: 15 sản phẩm 4 sao, 25 sản phẩm 3 sao.
15. Huyện Thường Tín: 17 sản phẩm của 13 chủ thể, trong đó: 13 sản phẩm 4 sao, 04 sản phẩm 3 sao. Thường Tín có 01 sản phẩm OCOP du lịch là Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân của Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; theo số liệu thống kê năm 2022 Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân đã đón 118.566 lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm, đây là mô hình du lịch đang hoạt động hiệu quả.
16. Huyện Chương Mỹ: 46 sản phẩm của 14 chủ thể, trong đó: 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao.
17. Huyện Sóc Sơn: 28 sản phẩm của 13 chủ thể, trong đó: 08 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao.
18. Quận Bắc Từ Liêm: 14 sản phẩm 3 sao của 05 chủ thể.
19. Quận Hoàng Mai: 06 sản phẩm 4 sao của 02 chủ thể.
20. Quận Nam Từ Liêm: 22 sản phẩm của 06 chủ thể, trong đó: 05 sản phẩm 4 sao, 17 sản phẩm 3 sao.
21. Quận Tây Hồ: 06 sản phẩm 4 sao của 03 chủ thể.
22. Quận Thanh Xuân: 02 sản phẩm 4 sao của 01 chủ thể.
23. Quận Ba Đình: 05 sản phẩm 4 sao của 01 chủ thể.
24. Quận Hà Đông: 02 sản phẩm 4 sao của 01 chủ thể.
25. Quận Đống Đa: 02 sản phẩm 3 sao của 01 chủ thể.
26. Quận Hoàn Kiếm: 06 sản phẩm 3 sao của 02 chủ thể.