Là một công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới (gần 4km), trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch của Thủ đô, song, đến nay con đường tranh bích họa trên phố Trần Khánh Dư (Hà Nội) ngày càng xuống cấp trầm trọng, trông nhem nhuốc.
"Từ công trình mang lại diện mạo đẹp đẽ cho Thủ đô giờ đây trở thành hình ảnh xấu xí nhưng vẫn được tồn tại như thế này từ 3 - 4 năm nay", chị Nguyễn Phương - người dân trên tuyến phố nói.
Nhiều người dân và khách du lịch lưu thông qua không khỏi ngỡ ngàng và tiếc nuối trước sự xuống cấp của con đường gốm sứ.
Không gian công trình mang giá trị văn hóa này còn tồn tại những vết loang lổ, bốc mùi hôi hám bởi hành động phóng uế bừa bãi của một bộ phận người dân thiếu ý thức và những xe thu gom rác, nhất là đoạn đường từ ngã ba Cầu Đất - Trần Khánh Dư đến gầm cầu Long Biên.
Một đoạn nhỏ của bức tranh bích họa còn rõ hình hài
Nơi đây còn bị hàng quán chiếm dụng trên vỉa hè
Nhiều vị trí trên trơ trọi không còn tranh bích họa mà chỉ là những bức tường phủ đầy rêu
Ông Trương Minh Tiến, nguyên PGĐ Sở Văn Hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng, sau hơn chục năm hình thành, con đường gốm sứ Hà Nội đã có hiện trạng xuống cấp. Nguyên nhân một phần do đây là công trình ngoài trời, thường xuyên chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt. Nhưng phần lớn là do sự thiếu ý thức bảo vệ công trình văn hóa của người dân.
Dù đã trơ cả gạch nhưng chưa thấy đơn vị nào đứng ra duy tu chỉnh trang lại
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng là ý tưởng độc đáo của nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, báo Hà Nội mới. Công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long này trị giá 65 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2008, hoàn thành năm 2010 với chiều dài 3.950m, diện tích khoảng 7.000m2, chạy từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp, quận Hoàn Kiếm.
Con đường gốm sứ đã thu hút 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống. Đáng buồn là một công trình đẹp, nổi tiếng và ý nghĩa đến vậy mà giờ lại quá xấu xí gây lãng phí
Theo UBND TP Hà Nội, hiện công trình được giao cho Sở VH&TT quản lý, hàng tháng có nhân viên của Công ty Vệ sinh môi trường đi lau rửa nhưng chẳng hiểu sao công trình bị rác thải bao vây, biến tướng sau khoảng 13 năm
Toàn bộ tuyến đường có vô số vết đứt ngang dọc, bong tróc rất mất mỹ quan.
Có những mảng bong tróc rộng tới nửa mét vuông, hay vết nứt dài tới 2 - 3m.
Để bảo tồn và phát huy giá trị công trình, Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt; duy tu, bảo trì, sửa chữa phần đã xuống cấp; xây dựng và ban hành quy chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình này.
Lê Tươi - Biển Ngọc